Áp lực tâm lý của giới trẻ hiện đại và nhu cầu được chữa lành
Từ vụ nữ sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử, đến việc học sinh, sinh viên gặp áp lực, bị trầm cảm do gặp những 'vết thương' tâm lý trong thời gian vừa qua, cho thấy người trẻ ngày càng có nhu cầu được chữa lành những tổn thương tinh thần.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam, đã có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Đặc biệt, số lượng học sinh, sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung rơi vào tình trạng trầm cảm chiếm đại đa số. Dưới đây là lời khuyên từ nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý về "hành trang" cho sức khỏe tinh thần của bạn trẻ.
Áp lực đồng trang lứa
Kết quả tìm kiếm từ khóa "áp lực đồng trang lứa" trên google hiện ra với 4.350.000 kết quả, trong đó có nhiều bài viết về tình trạng này. Số liệu này cũng cho thấy đây là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của người trẻ, họ luôn có nhu cầu tìm các lời khuyên để tự chữa lành.
Có thể hiểu, áp lực bạn bè hoặc áp lực đồng nghiệp (áp lực đồng trang lứa) là sự chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp đến mọi người, mọi thành viên của xã hội nhóm với cùng sở thích, kinh nghiệm, hoặc địa vị xã hội giống nhau. Các thành viên của một nhóm đồng đẳng, không nhiều thì ít cũng chi phối lòng tin và lối cư xử của người trong nhóm bằng cách thay đổi thái độ, giá trị, hoặc lề lối cư xử...
Chơi cùng một nhóm bạn thân trong lớp học, Nguyễn Minh Huyền (SN 2006, ở Hà Nội) cảm thấy đôi khi em bị bắt buộc hoặc không thoải mái với việc thực hiện theo một số hoạt động chung của nhóm như chọn môn, chọn khối thi, chọn thầy cô giáo học thêm... hay muốn kết thêm bạn mới cũng phải được cả nhóm "ưng mắt".
Huyền bày tỏ, mặc dù không thoải mái vì phải đưa ra quyết định theo cả nhóm, nhưng em cũng không còn cách nào khác vì sợ bị cô lập hoặc bị xa lánh nếu không thực hiện những gì bạn bè muốn.
"Đôi khi, em phải thay đổi hành vi hoặc suy nghĩ để phù hợp với nhóm bạn bè. Điều này khiến em cảm thấy áp lực mỗi khi tham gia vào các hoạt động mình không muốn. Dần, em không còn tự tin và khả năng độc lập quyết định của một cá nhân. Em cảm thấy không chắc chắn về khả năng của mình và phải luôn dựa vào sự đồng thuận của nhóm bạn bè", Huyền tâm sự.
Áp lực về sự hoàn hảo
Trong những năm học đại học, Nguyễn Thị Thu Hương (SN 2001, quê ở Hải Dương) có áp lực lớn nhất là học tập để đạt được kết quả tốt nhất. Hai năm đầu khi phải học các môn đại cương với lượng lớn lý thuyết, Hương thừa nhận, dù không hiểu gì nhưng buộc bản thân “học vẹt” để có thể thi qua môn. Hiện tại, khi là sinh viên năm cuối, nữ sinh bày tỏ càng áp lực hơn khi phải thực hiện cùng lúc nhiều đầu việc, từ thực tập đến khóa luận tốt nghiệp, ôn thi chuẩn đầu ra tiếng Anh.
"Mình gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian. Đôi lúc chỉ mong một ngày có 48h để có thể giải quyết hết tất cả", Hương giãi bày.
Nữ sinh 10x nhận thấy, áp lực lớn nhất đến từ chính bản thân. Cô bạn luôn đặt ra những mục tiêu và ép bản thân phải thực hiện theo. Và khi không thực hiện được, Hương dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, thất vọng và chưa hài lòng với những gì bản thân có.
"Gần đây, để thoát khỏi áp lực, mình chọn cách bình thường hóa nó. Mình biến nó thành một phần cuộc sống, động lực thúc đẩy bản thân. Giả sử hôm nay mình thấy áp lực vì chưa hoàn thành bài tập, vậy ngày mai mình phải cố gắng, phải tự giác hoàn thiện. Mình là một người khá nhạy cảm và không giỏi đối mặt với các vấn đề. Tuy nhiên, mình luôn ý thức được bản thân đã là sinh viên năm cuối. Nếu không mạnh mẽ bứt phá và đối mặt với những trở ngại hay áp lực thì sẽ khó để vững vàng trong cuộc sống. Mình luôn tự động viên bản thân rằng mọi chuyện đều sẽ có cách giải quyết", Hương nói.
Đôi lúc, cô bạn có xu hướng nóng giận với những người xung quanh và trách móc họ tại sao không thông cảm cho mình. Tuy nhiên, đa số thời điểm khi cảm thấy tiêu cực, Hương chọn cách im lặng, tránh tiếp xúc hay nói chuyện để ảnh hưởng đến tâm trạng hay có những lời không hay với người khác.
Tạo "kháng thể tinh thần" thế nào?
Đưa ra lời khuyên cho người trẻ hiện nay đang gặp những vấn đề về sức khỏe tinh thần, TS. Cao Xuân Liễu (chuyên ngành Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, các bạn học sinh, sinh viên một mặt cần tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng, mặt khác cũng cần “dám đương đầu” với thách thức, áp lực và khó khăn đó. Có như vậy, bản thân mới tạo ra được các “kháng thể tinh thần” để chống đỡ lại áp lực của cuộc sống. Nếu không, khi gặp chướng ngại, các em lại chùn bước và ngay lập tức cầu cứu bàn tay của người khác thì rất khó trưởng thành và thích ứng với áp lực, sự thay đổi của xã hội.
TS. Cao Xuân Liễu nhận định, học sinh, sinh viên thường gặp những áp lực mang tính đặc trưng cho giai đoạn lứa tuổi đó như học tập, quan hệ bạn bè, tình yêu nam nữ, khẳng định giá trị bản thân hoặc định hướng nghề nghiệp… Đa phần, cá nhân nào khi trải qua giai đoạn tuổi này cũng đều gặp những vấn đề liên quan (có thể tạo áp lực) và có cách giải quyết khác nhau. Một số em dễ dàng vượt qua, một số em khó vượt qua, thậm chí một số em không thể vượt qua nên dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như chúng ta từng chứng kiến.
Đặc biệt hơn, đối với học sinh, sinh viên, nhiều lúc các em lại chưa có kinh nghiệm hoặc chưa được chuẩn bị để vượt qua các áp lực cuộc sống đó, dẫn tới có cách giải quyết không phù hợp, sai hoặc có thể dẫn tới hệ quả tiêu cực. Sự phát triển của học sinh, sinh viên đều có sự đồng hành từ tuổi thơ đến khi trưởng thành của cha mẹ, người lớn. Vậy nên, để có thể tự giải quyết được các bài toán, áp lực của cuộc đời mình, các em một mặt phải tự trang bị và mặt khác cần được người lớn trang bị những kiến thức, năng lực để giải quyết các áp lực.
"Từ những kiến thức và năng lực tự trang bị sẽ biến thành sức mạnh nội sinh để các em có thể vượt qua các vấn đề tâm lý, như áp lực đồng trang lứa hay áp lực về sự hoàn hảo...", TS. Cao Xuân Liễu nói.
Ở góc độ quản lý, ông cho rằng, các nhà giáo dục, các nhà quản lý cần nhận diện ra nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra những tổn thương về mặt tinh thần cho học sinh, sinh viên. Chỉ khi nhận ra điều đó, chúng ta mới có thể tìm được các giải pháp mang tính căn cơ loại bỏ mầm mống và hoàn cảnh gây ra những “vết xước” về mặt tâm hồn cho các em.
"Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một bộ phận gia đình, thậm chí cả nhà trường vẫn còn xem nhẹ việc giáo dục sức khỏe tinh thần cho các em, xem đây là những hiện tượng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ phải gặp và rồi sẽ phải vượt qua", chuyên gia tâm lý giáo dục cho biết.
Trong thời gian tới, TS. Cao Xuân Liễu mong công tác truyền thông về sức khỏe tinh thần cần đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao nhận thức cho những nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh, sinh viên... để tránh tạo áp lực vô hình. Thậm chí, cần phải “gán trách nhiệm” cho những người quản lý xã hội, quản lý giáo dục khi họ không làm tốt công tác giáo dục sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên, để xảy ra những tình huống đáng tiếc như chúng ta biết trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị kiến thức, nguồn lực cho các nhà quản lý về lĩnh vực này để họ hiểu rõ hơn và có thể thực thi những nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nhất.
Chú trọng xây dựng văn hóa học đường
Dưới góc nhìn là một chuyên gia về văn hóa, xã hội học, Th.S. Võ Văn Sơn (Giảng viên môn Khoa học xã hội, Trường Đại học Tiền Giang) cho rằng, cách cư xử, giao tiếp trong mối quan hệ giữa sinh viên với sinh viên, sinh viên với giảng viên cũng là một nguyên nhân tạo nên vấn đề tâm lý.
Vì vậy, để học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về cách đối xử với những người xung quanh, tránh để lại cho người khác những áp lực vô hình về học tập hay áp lực đồng trang lứa, biết chấp nhận sự khác biệt của khác người như một điều mới mẻ để học tập, Th.S Võ Văn Sơn nhận định, nhà trường cần phối hợp với gia đình và xã hội trong việc nâng cao nhận thức văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện. Cụ thể như:
"Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục để nâng cao trách nhiệm thực hiện nội quy, quy định về văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên tại trường.
Học sinh, sinh viên là chủ thể chính thực hiện ứng xử học đường nên trong các mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, sinh viên với sinh viên, nhà trường, giáo viên, giảng viên cần quan tâm và phát hiện kịp thời tình trạng cô lập bạn bè, kết bè phái, bạo lực học đường... để có hướng tư vấn tâm lý phù hợp", Th.S Sơn nói.
Chuyên gia văn hóa, xã hội học nhấn mạnh thêm, muốn học sinh, sinh viên hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, nhà trường cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, thống nhất phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho học sinh, sinh viên. Các biện pháp giáo dục phải được vận dụng linh hoạt, hệ thống, bài bản để vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng văn hóa, vừa đảm bảo chuẩn mực đạo đức.