Áp lực thép nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến giảm dần
Lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ giảm do những triển vọng như: chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế qua đó hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. Kéo theo đó, các doanh nghiệp thép tại Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực trong việc tìm nguồn tiêu thụ thay thế.
Nhập khẩu thép Trung Quốc tiếp tục tăng cao
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu thép về Việt Nam tiếp tục tăng cao. Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 8,97 tỷ USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 19% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình là 729,5 USD/tấn, giảm 9,7%. Trong đó, riêng tháng 9 nhập khẩu gần 1,55 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,06 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và 4,3% về kim ngạch.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 8,31 triệu tấn, tương đương gần 5,36 tỷ USD, tăng 50,6% về lượng, tăng 37,8% về trị giá so với cùng kỳ. Thép nhập từ Trung Quốc chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 59,7% trong tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Giá trung bình nhập khẩu thép từ thị trường này là 644,5 USD/tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nhật Bản đạt 1,53 triệu tấn, tương đương 1,08 tỷ USD, giá nhập khẩu 708 USD/tấn, tăng 4,4% về lượng, nhưng giảm 3,2% về trị giá.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất có thể đạt đến 30 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ nội địa chưa phục hồi vì sự suy giảm của thị trường bất động sản, tồn kho lớn. Đặc biệt, một lượng lớn thép nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tiếp tục đổ về nước ta.
Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thép, với khoảng 500 nhà máy thép các loại, tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023. Do nguồn cung thép lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá thép ở thị trường nước ngoài. Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi làn sóng xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Theo Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, trong vòng 2 năm qua, sản lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng lên gần như gấp đôi từ mức 3,76 triệu tấn trong 8 tháng năm 2022 lên mức 7,23 triệu tấn trong 8 tháng năm 2024. Điều này đe dọa đến thị trường tiêu thụ thép trong nước.
Sản xuất thép trong nước kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự báo áp lực của thép nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ giảm dần. Lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có thể sụt giảm bởi chính sách tiền tệ của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ kích thích nền kinh tế qua đó hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. Nhờ vậy, các doanh nghiệp thép tại Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực trong việc tìm nguồn tiêu thụ thay thế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất thép làm tăng giá thép và giảm sản lượng thép xuất khẩu sang các quốc gia khác, do các doanh nghiệp giảm áp lực cạnh tranh và không phải tìm thị trường thay thế nhu cầu thâm hụt trong nước. Cùng với đó, chính sách ngừng sản xuất thép cây tiêu chuẩn cũ từ ngày 25.9.2024 sẽ tiếp tục làm sản lượng của quốc gia này giảm.
Ngoài ra, kỳ vọng kết quả điều tra chống bán phá giá theo Quyết định số 1985/QĐ-BCT (dự kiến có kết quả trong tháng 11.2024) sẽ giảm bớt lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào Việt Nam, qua đó giảm bớt áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Cũng theo Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, sản xuất thép trong nước kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế cùng với sự trở lại của thị trường bất động sản. Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai có hiệu lực sớm, cùng với sự đẩy mạnh đầu tư công, sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu thép tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2025 - 2026.