Áp lực từ Mỹ, tham vọng nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 thế giới của Huawei 'phá sản'
Huawei thừa nhận, nếu không có 'tình huống bất ngờ không mong đợi', công ty sẽ trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 thế giới vào cuối năm nay.
“Nếu không có gì bất ngờ không mong đợi, chúng tôi sẽ trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong quý 4/2019. Thế nhưng, hiện nay, chúng tôi cảm thấy cần nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu này”, Giám đốc chiến lược Huawei, Shao Yang, nói tại Triển lãm hàng Điện tử tiêu dùng ở Thượng Hải.
Ông Shao không nói rõ “bất ngờ không mong đợi” là gì, cũng không nhắc trực tiếp đến Tổng thống Mỹ Donald Trump hay chiến tranh thương mại, nhưng những nhận định của ông được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ tháng trước thêm Huawei vào "danh sách đen", cấm các công ty Mỹ bán phần mềm hay linh kiện cho công ty Trung Quốc này mà không có sự cho phép của chính phủ. .
Những chiếc điện thoại thông minh của Huawei đang chạy hệ điều hành Android của Google. Các chuyên viên phân tích và nhà phân phối lên tiếng cảnh báo rằng nếu Huawei không thể tiếp cận tới bản cập nhật và dịch vụ từ Google, người tiêu dùng ở phương Tây sẽ “ngoảnh mặt” với các thiết bị của Huawei. Tháng trước, SoftBank của Nhật Bản đã hủy kế hoạch bán chiếc điện thoại P30 của Huawei, trong khi KDDI đã hoãn bán chiếc P30 – lúc đầu dự kiến bán vào cuối tháng 5/2019.
Tuần trước, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., nhà sản xuất chip điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết các đơn đặt hàng từ Huawei đã giảm kể từ khi Công ty này rơi vào danh sách đen của Mỹ. Auras Technology có trụ sở ở Đài Loan – một nhà cung ứng hàng đầu về các thiết bị của Huawei – cũng cho biết, số lượng đặt hàng của một khách hàng Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, nhưng lại không nói rõ khách hàng đó là ai.
Theo AP, doanh số bán hàng điện thoại thông minh của Huawei cũng giảm rõ rệt từ khi có lệnh cấm của Mỹ.
Lệnh cấm của Mỹ xuất phát từ những cáo buộc cho rằng các công ty công nghệ như Huawei có thể ăn cắp bí mật thương mại và đe dọa đến an ninh mạng, hay chia sẻ dữ liệu người dùng cho chính phủ Bắc Kinh.
Bài liên quan
Các công ty công nghệ lớn yêu cầu nhân viên ngừng tiếp cận, trao đổi với Huawei
Trong khi Huawei phủ nhận các cáo buộc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiếp tục thuyết phục và gây sức ép các nước khác loại bỏ thiết bị công ty này ra khỏi mạng di động thế hệ mới 5G.
Shao cho biết, công ty sẽ tiếp tục mở rộng sự phát triển về công nghệ. “Mọi người thấy 5G, nhưng chúng tôi thấy nhiều hơn thế. Những người không dũng cảm sẽ không tiến bộ, họ sẽ tụt lại phía sau. Nên tất cả mọi thứ chúng tôi làm là để vạch ra hướng đi cho mình trong vòng cạnh tranh mới.”
Huawei đã vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trong quý 2/2018 và duy trì vị thế này kể từ đó, theo công ty nghiên cứu toàn cầu IDC. Huawei hiện bán 500,000-600,000 chiếc điện thoại mỗi ngày, ông Shao cho hay. Trong quý 1/2019, họ ghi nhận đã bán 59.1 triệu chiếc điện thoại, thấp hơn nhiều so với con số 71.9 triệu chiếc của Samsung.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho rằng, việc đưa Huawei vào danh sách đen hoàn toàn là vấn đề "an ninh quốc gia" không liên quan các cuộc đàm phán thương mại bị đổ bể. Ông Mnuchin đặc biệt nhấn mạnh lệnh cấm Huawei không phải là một phần của cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Trump liên tục đánh tiếng về cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G-20, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn im lặng trước thông tin này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo sẽ "lập tức" áp mức thuế quan mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Chủ tịch Tập không dự Hội nghị thượng đỉnh G20.