Áp lực và trọng trách lớn của các 'trường hợp đặc biệt'
Các trường hợp đặc biệt có áp lực, trọng trách lớn vì họ không chỉ gánh vác trách nhiệm trên cương vị cụ thể mà còn phải có trách nhiệm bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo kế cận.
Quan điểm trên được các chuyên gia chia sẻ với Zing sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 15 khóa XII.
Tại hội nghị, Trung ương đã thông qua danh sách nhân sự trường hợp đặc biệt, giới thiệu ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để đại hội xem xét, quyết định.
Vừa lo công việc, vừa lo đào tạo đội ngũ kế cận
Theo tiến sĩ Lê Thanh Vân (đại biểu Quốc hội), Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII lần này cơ cấu 3 độ tuổi, thể hiện tính kế thừa của các thế hệ cán bộ. Đây không chỉ là kế thừa về thành quả mà kế thừa cả trí tuệ và kinh nghiệm để bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành đất nước. Bên cạnh đó, lần này Đảng tiếp tục đề cập đến “trường hợp đặc biệt”.
Nhìn nhận trường hợp đặc biệt nói đến sự vượt trội của những cá nhân được trui rèn qua thực tiễn, ông Vân cho rằng đó là những người thực sự có đức, có tài, được Đảng, nhân dân tín nhiệm.
“Người được lựa chọn là trường hợp đặc biệt có đủ uy tín và tầm ảnh hưởng để tiếp tục giữ cương vị chủ chốt, cho dù tuổi cao. Trường hợp đặc biệt không có nhiều và khi xem xét, lựa chọn phải dựa vào thành quả, cống hiến, có bằng chứng cụ thể, tin cậy để xét”, ông Vân nói.
Nhấn mạnh yêu cầu về trí tuệ, năng lực, phẩm hạnh và việc giữ các cán bộ ở lại trên cương vị chủ chốt là lợi cho cái chung, ông Vân lưu ý không nên lạm dụng để xét cho người không có thành quả nổi trội, không có tư duy vượt trội. Đồng thời, những nhân sự thuộc diện đặc biệt này sẽ phải chịu áp lực gánh vác trọng trách rất lớn.
“Càng về sau, họ phải càng thể hiện được bản lĩnh kiên cường, trí tuệ và mức độ hiệu quả công việc. Họ luôn phải đặt ra áp lực cao hơn với sự quyết tâm lớn hơn”, ông Vân nêu quan điểm.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhìn nhận Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được cơ cấu có nhiều người trẻ, song trong bộ máy vẫn rất cần những người “gạo cội” dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh và trí tuệ.
Đó chính là những trường hợp đặc biệt, họ đủ phẩm chất, năng lực để cùng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII dẫn dắt đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
“Những trường hợp đặc biệt đương nhiên sẽ có áp lực và trọng trách lớn hơn. Vì họ không chỉ đảm đương trách nhiệm mình gánh vác trên cương vị cụ thể, mà còn phải có trách nhiệm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ lãnh đạo kế cận để đảm đương vai trò trong thời gian tới”, ông Phúc phân tích.
Nhân sự khóa XIII được chuẩn bị kỹ lưỡng
Bàn về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII, ông Nguyễn Túc (thành viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đánh giá so với các kỳ Đại hội trước, việc chuẩn bị để tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã ngày càng bài bản.
Đặc biệt, ông Túc cho rằng chúng ta đã ngăn chặn được những lỗ hổng trong công tác nhân sự và công tác kiểm tra, giám sát. Quy trình 5 bước để thực hiện việc giới thiệu và lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng theo hướng tiến hành từng bước, từng việc, từng khâu bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
“Tôi tin với sự chuẩn bị chu đáo, khoa học và kỹ lưỡng, chắc chắn Đại hội XIII sẽ thành công với việc bầu chọn được đội ngũ lãnh đạo khóa mới có đủ đức, đủ tài để đưa đất nước phát triển”, ông Túc nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc đánh giá việc Hội nghị Trung ương 15 thông qua danh sách các trường hợp đặc biệt để giới thiệu Đại hội XIII và thông qua danh sách đề cử 4 chức danh chủ chốt cho thấy trách nhiệm rất cao của Trung ương khóa XII với công tác chuẩn bị nhân sự khóa mới.
“Tính nhất trí cao của Trung ương không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự trăn trở, suy tư của từng ủy viên Trung ương để đi đến lựa chọn tối ưu với ban lãnh đạo mới. Đại hội XIII chắc chắn sẽ mở ra bước phát triển mới của đất nước, thể hiện trách nhiệm không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XIII mà còn là trách nhiệm lâu dài với sự phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với định hướng đưa Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Phúc kỳ vọng trong nhiệm kỳ khóa XIII, Đảng sẽ thực hiện được hai vấn đề lớn. Một là phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng mạnh lên. Hai là siết chặt kỷ luật, kỷ cương và pháp luật để loại bỏ những người không xứng đáng, những người có sai phạm, vướng vào tham nhũng, lợi ích nhóm…
Đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý sau khi chuẩn bị nhân sự xong, Đảng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá cán bộ, không được lơ là.
“Nguy cơ của con người là tham vọng quyền lực, tha hóa, biến chất. Nếu không chịu rèn luyện và chịu sự kiểm tra, giám sát thì luôn có nguy cơ đó”, ông Vân nói.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) ngày 17/1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số nhân sự lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bổ sung một số ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và một số nhân sự lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.
Cũng tại hội nghị, Trung ương đã thông qua danh sách nhân sự là ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí ứng cử một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao.