Áp lực xanh hóa với logistics trong thương mại điện tử
Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, nhưng đang bộc lộ nhiều điểm yếu liên quan đến hoạt động logistics chưa bền vững.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đánh giá, dù luôn tăng trưởng ở mức hai con số trong thời gian qua, nhưng thương mại điện tử lại phát triển chưa bền vững. Ví dụ điển hình như việc đóng gói bao bì bằng hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần… hoặc trong quá trình giao hàng với lượng lớn khí carbon thải ra đã tác động không nhỏ đến môi trường.
Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, hiện chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động 10-20%. Trong chi phí logistics, vận chuyển có tỷ lệ cao nhất khoảng 60-80%. Do đó, việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.
TS. Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn logistics và chuỗi cung ứng (Trường đại học Thương mại) thông tin, theo khảo sát, có khoảng 66% doanh nghiệp logistics Việt Nam có mục tiêu xanh trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Nhưng từ chiến lược cho đến thực tế triển khai vẫn còn khoảng cách lớn.
“Xanh hóa ở giai đoạn đầu đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn lớn. Trong khi đa phần doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ và vừa, đây là một áp lực đối với doanh nghiệp khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến đầu tư để trở nên xanh hơn”, bà Hương chia sẻ.
đang gây khó khăn cho việc triển khai các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường. Việc thiếu hạ tầng hỗ trợ như trạm sạc điện cho xe vận tải điện, kho hàng và trung tâm phân phối xanh cũng là rào cản để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi.
Đồng quan điểm, ông Harry Lu, Giám đốc bán hàng Công ty Sunny Auto bổ sung: “Dù có ý định chuyển đổi xanh, nhưng doanh nghiệp nhận thấy đây là thời điểm chưa phù hợp. Nguyên nhân là do, các trạm sạc điện với công suất lớn hoặc điểm sạc xe điện vùng ngoài trung tâm của các thành phố tại Việt Nam còn rất hạn chế. Đây là trường hợp về “con gà, quả trứng” để chia sẻ về câu chuyện đầu tư trạm sạc trước hay chuẩn bị xe điện trước”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp ngành logistics bước đầu thực hiện chuyển đổi xanh, bên cạnh chuyển đổi phương thức vận chuyển nhằm tiết giảm chi phí. Nhiều đơn vị cũng đang nỗ lực thay thế phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, hệ thống kho năng lượng mặt trời... để hạn chế tối đa lượng phát thải.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho hay: “Chúng tôi đang hợp tác với các hình thức vận tải đường sắt và đường biển để nâng cao năng lực logistics. Đồng thời đặt mục tiêu chuyển phát 20 triệu đơn hàng mỗi ngày, kết hợp phát triển bền vững thông qua việc trang bị xe tải điện năng lượng mặt trời và ứng dụng công nghệ trong giám sát, vận hành kho thông minh”.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị đào thải khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu.
Đại diện Lazada thông tin, tại Lazada Indonesia đã sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách lắp đặt các tấm pin mặt trời tại các cơ sở logistics. Lazada Thái Lan khai trương trung tâm logistics thân thiện với môi trường thông qua sử dụng xe máy điện, đồng phục làm từ chai nhựa PET tái chế…
Riêng Việt Nam, doanh nghiệp đã đưa Trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao tại Lazada Logistics Park ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (tỉnh Bình Dương) vào hoạt động kể từ đầu năm 2023. Hoạt động đầu tư vào công nghệ hiện đại tại trung tâm phân loại mới này giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí nhân công…
Hiện đơn vị này cũng tiên phong triển khai dịch vụ nhận hàng tự động qua tủ khóa thông minh tại Việt Nam. Mô hình Drop-off point (điểm gửi hàng) hay Collection point (điểm nhận hàng) hiện đạt hơn 2.000 điểm tại các cửa hàng tiện lợi và hệ thống tủ khóa thông minh iLogic Smartlocker.
Trước quá trình xanh hóa còn hạn chế, ông Cao Minh Nghĩa (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) kiến nghị, Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng thì mới có thể tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức.
Cùng với đó, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải. Đồng thời ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển logistics xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh, hay Chỉ số Năng lực phát triển logistics xanh.