Áp lực xuất khẩu năm 2025
Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đã đầy ắp đơn hàng, song, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động bởi sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn.
Doanh nghiệp tất bật đơn hàng
Để kịp giao đơn hàng 30.000 USD cho đối tác tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (chuyên sản xuất và xuất khẩu nước giải khát Bidrico) cho biết, công nhân phải làm xuyên Tết. Từ ngày mùng 4 Tết phải huy động tới 75% lao động, số còn lại đi làm từ mùng 6 Tết.
Theo ông Hiến, năm nay đơn hàng đã quay trở lại, nhiều hợp đồng năm 2025 đã được ký từ cuối năm ngoái. Dự kiến, doanh thu tăng 16-20%.
Tương tự, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng cho biết, đã gần lấp đầy đơn hàng cho quý I/2025 và chuẩn bị tiếp nhận đơn hàng cho quý II/2025.
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ: Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD.
Cơ sở đưa ra mức tăng trưởng này, ông Giang cho rằng, các doanh nghiệp ngành dệt may đã có một năm 2024 đại thắng - đây là tiền đề cho năm 2025 bứt tốc.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết, kể từ quý IV/2024, đơn hàng quay trở lại với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho cả quý I và quý II/2025.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nhiều doanh nghiệp đang nhận được các đơn hàng xuất khẩu cho năm 2025. Nhiều dự báo cho thấy, năm 2025 ngành này sẽ có nhiều thuận lợi về đơn hàng xuất khẩu.
Thách thức xuất khẩu năm 2025
Bộ trưởng Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ nền tảng vững chắc từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang tạo thêm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Các ngành xuất khẩu như điện tử, dệt may, và nông sản được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.
Tuy nhiên, ông Diên cũng lưu ý, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sẽ đối diện với nhiều thách thức như tình hình xung đột chính trị, quân sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở một số khu vực có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa.
Đặc biệt, sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng đa chiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, chú trọng là các yếu tố phát triển bền vững như sản xuất xanh, giảm phát thải carbon, nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng và yêu cầu từ các thị trường phát triển…
Năm 2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Riêng với thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trước đây ảnh hưởng từ thuế quan của thị trường Hoa Kỳ chưa lớn, tuy nhiên, trong nhiệm kỳ mới này của Tổng thống Donald Trump, dự báo có 2 kịch bản với xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, kịch bản khả quan là như giai đoạn trước, Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Kịch bản thứ hai, nếu tác động chính sách thuế của Hoa Kỳ gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ nếu gặp khó khăn khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ do bị áp thuế sẽ đẩy mạnh bán ra các thị trường khác, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh nêu trên, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho hay, Bộ Công thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ap-luc-xuat-khau-nam-2025-192250203171701156.htm