Ấp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cảnh báo lũ và sạt lở đất ở Nam Trung bộ

Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang tiến vào bờ và có khả năng mạnh lên thành bão, trong khi mưa lớn đã xảy ra ở nhiều tỉnh của miền Trung.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16h ngày 25/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách Khánh Hòa khoảng 380km, cách Ninh Thuận khoảng 370km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16h ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi triển khai lực lượng sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Ảnh: Đức Minh.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi triển khai lực lượng sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Ảnh: Đức Minh.

Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ chiều mai, 26/10, trên khu vực ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. Trên khu vực giữa biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh; khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Mưa lớn gây sạt lở đất một số nơi ở Quảng Nam. Ảnh: baoquangnam.

Mưa lớn gây sạt lở đất một số nơi ở Quảng Nam. Ảnh: baoquangnam.

Ngoài ra, ở khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Từ ngày 26/10 đến hết ngày 27/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa dự báo đạt 100 đến trên 200mm từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ;
150-250mm từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên, có nơi trên 300mm.

Từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.

Cầu Ngô La QL 19C, thuộc xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định bị sụp mố vào sáng 24/10. Ảnh: ĐT.

Cầu Ngô La QL 19C, thuộc xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định bị sụp mố vào sáng 24/10. Ảnh: ĐT.

Mưa lớn kéo dài gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Đồng Nai và khu vực Tây Nguyên.

Liên quan đến tình hình mưa lũ, trong ba ngày qua, mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều địa phương tại các tỉnh Nam Trung bộ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm gần 11.000 nhà dân trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt, chủ yếu tại các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi, nhiều nơi ngập 2m. Địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 1.370 hộ dân/4.541 khẩu trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.

Một đoạn đường sắt bị sạt lở ở khu vực ga Trì Bình, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Vũ Duy.

Một đoạn đường sắt bị sạt lở ở khu vực ga Trì Bình, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Vũ Duy.

Tại Quảng Nam, mưa lũ gây ngập cục bộ nhiều địa bàn. Nhiều tuyến giao thông liên huyện và các tuyến đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua tỉnh Quảng Nam bị sạt lở, giao thông gián đoạn. Cung đường sắt giữa 2 ga Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và Trì Bình, tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở, nền đường sắt bị khoét sâu trên chiều dài 40m. Lúc 9h ngày 24/10 lở đất ở Nam Trà My khiến ít nhất 6 ngôi nhà bị hư hỏng.

Tại Bình Định, lượng mưa bình quân toàn tỉnh từ 23-25/10 đạt 207mm, trong đó lớn nhất tại hồ Trong Thượng (huyện An Lão) 432mm. Đến 13h ngày 25/10, có 42 hồ thủy lợi nước đã qua tràn, 13 hồ có dung tích trên 90% dung tích thiết kế.

Thông tin sơ bộ, mưa lớn đã khiên 1 nhà dân ở An Vinh, An Lão bị ảnh hưởng do dạt lở đất, 3 khu dân cư đã xuất hiện sạt lở.

Sáng ngày 25/10, tai TP Quy Nhơn xuất hiện 2 điểm sạt lở gây bị thương 3 người. Trước đó, vào sáng 24/10 cầu Ngô La QL 19C, thuộc xã Canh Vinh, huyện Vân Canh bị sụp mố, giao thông ách tắc nhiều giờ.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/ap-thap-nhiet-doi-co-kha-nang-manh-len-thanh-bao-canh-bao-lu-va-sat-lo-dat-o-nam-trung-bo-114121.html