Khát vọng cộng đồng thịnh vượng bên bờ Thái Bình Dương

(Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân)

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru) vừa kết thúc ngày 16-11 với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, các nền kinh tế thành viên đã rất quan tâm để hiện thực hóa vì một cộng đồng thịnh vượng và phát triển. Tại diễn đàn, những thông điệp được Việt Nam truyền tải nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của các nền kinh tế thành viên APEC.

Tụ hội nơi khởi nguồn những dòng sông

Nhìn trên bản đồ, đất nước Peru trải dài nằm hoàn toàn ở Nam bán cầu với điểm cực Bắc kéo sát tới đường xích đạo. Không chỉ sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp bởi nằm dọc bên bờ Thái Bình Dương, Peru còn được tạo hóa ban tặng dãy núi Andes vắt qua mình. Andes rất nổi tiếng, là nơi khởi nguồn của những dòng sông miệt mài bồi đắp qua hàng nghìn năm để Peru-đất nước của nền văn minh Inca rực rỡ xứng đáng là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, như phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường khi được Nhà nước Peru trao tặng Huân chương “Mặt trời Peru” cấp Đại Thập tự. Đây là Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Peru nhân dịp Chủ tịch nước Lương Cường cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC.

Trong những ngày giữa tháng 11 này, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng tụ hội về thủ đô Lima, nơi được mệnh danh là “thành phố của các hoàng đế” để bàn thảo về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư... trong đó có những vấn đề mang sức ảnh hưởng toàn cầu.

Tuần lễ cấp cao APEC sở dĩ là sự kiện thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 77% thương mại. Cũng có tới hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực có mặt tại diễn đàn năm nay, một con số rất ấn tượng.

Lima những ngày này vô cùng sôi động. Những chuyến bay dồn dập cất, hạ cánh đưa lãnh đạo các nền kinh tế đến thủ đô của Peru. Các đường phố ở trung tâm thủ đô nhộn nhịp dòng người, cờ hoa và phương tiện giao thông xuôi ngược. Nước chủ nhà cũng rất biết chiều lòng khách từ phương xa bằng những điệu múa độc đáo của văn hóa dân tộc với trang phục cầu kỳ và bắt mắt. Người ta có thể cảm nhận qua các điệu múa có sự hoang dã của những thổ dân thời kỳ săn bắt, lại có cái diêm dúa pha lẫn nét trẻ trung, hiện đại ngày nay. Thật sự là một bản phối rất khéo léo và mang tính bất ngờ. Nước chủ nhà cũng dành cho lãnh đạo và thành viên các nền kinh tế APEC sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Trên mọi cung đường, ngõ phố, lực lượng cảnh sát bảo vệ theo dõi nhất cử nhất động. Trên bầu trời, trực thăng thường xuyên bay lượn.

Sở dĩ nước chủ nhà Peru rất chú trọng tới diễn đàn này, bởi những lợi ích mà APEC mang lại. Trả lời phỏng vấn tờ El Peruano trước Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra, Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch Peru Desilu Leon cho biết, kim ngạch thương mại giữa Peru và các nền kinh tế APEC năm 2024 sẽ tăng gần 6% so với năm 2023, với 75,548 tỷ USD. Để chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này, trong năm 2024, Peru đã tổ chức hàng trăm cuộc họp trù bị, đã đón 7.400 du khách đến dự các cuộc họp có liên quan đến APEC. Còn trong sự kiện chính này, Peru đón thêm 15.000 người tới đây. Những con số ấn tượng đó đều đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của đất nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình cao, gần 14.000USD này. Thế mới biết, vì sao APEC lại là vấn đề được quan tâm như vậy. Lần thứ ba đăng cai sự kiện lớn này, Peru tiếp tục chứng minh sự quan tâm đặc biệt đó, họ đã không nói suông.

Chủ đề nước chủ nhà dày công xây dựng và nỗ lực suốt năm qua cho APEC 2024 là “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”. Thoạt nghe chưa thể hiểu hết sự sâu sắc nhưng đi vào cụ thể từng vấn đề mới thấy, chủ đề rất ý nghĩa. APEC không phải sân chơi riêng của những nền kinh tế hùng mạnh, càng không phải là nơi mà sự cường quyền hay thống trị lên ngôi. APEC phải khẳng định được vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu, phải là nơi cùng nhau giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực. “Trao quyền” là nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội. “Bao trùm” là mọi người dân đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình đổi mới, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. “Tăng trưởng” là các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như hợp tác APEC đều hướng đến để APEC tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới.

Quang cảnh đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và các khách mời.

Quang cảnh đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và các khách mời.

Thông điệp của Chủ tịch nước và những đóng góp của Việt Nam

Ngay sau những cuộc đón tiếp trọng thị, hội đàm, hội kiến liên tiếp của Tổng thống và các lãnh đạo Nhà nước Peru với Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Chủ tịch nước đã bước vào các hoạt động chính của Tuần lễ cấp cao APEC với lịch làm việc dày đặc. Đây cũng là lần đầu Chủ tịch nước trên cương vị mới tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, lại đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập diễn đàn, bởi thế, những thông điệp của Việt Nam truyền tải tại sự kiện rất được chú ý.

Trong các phiên họp, phát biểu, Chủ tịch nước Lương Cường đã nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng. Những đề xuất ấy luôn toát lên tinh thần đổi mới mạnh mẽ và tràn đầy sức sống. Trong đó, nổi bật là đề xuất của Chủ tịch nước tại phiên họp Hội nghị cấp cao APEC và phiên họp Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Chủ tịch nước đã đề cập sâu sắc việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, sáng kiến về tăng trưởng bao trùm. Chủ tịch nước cũng đã truyền tải thông điệp của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế với khẳng định: “Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng của hòa bình, điểm sáng của kinh tế thế giới và đất nước của những cơ hội”. Hành trang của Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, có quyết tâm đổi mới. Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới; tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Từ trung tâm báo chí hội nghị ở thủ đô Lima, hàng nghìn nhà báo, trong đó có những tờ báo nổi tiếng, các hãng thông tấn, phát thanh, truyền hình lớn trên thế giới đều có mặt đưa tin, làm các chương trình phát trực tiếp. Nhìn trên màn hình, các đại biểu đã đồng loạt vỗ tràng pháo tay dài khi Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu nhấn mạnh, quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và bảo đảm cân bằng lợi ích, cạnh tranh công bằng. Chủ tịch nước cũng cho rằng, việc áp đặt các tiêu chuẩn mới đối với thương mại, đầu tư mà không xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, bỏ qua những khác biệt về trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia thì không những cướp đi cơ hội việc làm của hàng trăm triệu người lao động mà còn triệt tiêu sức sáng tạo và ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp.

Song song với các phiên họp chính thức, Chủ tịch nước Lương Cường đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo APEC, trong đó có các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược của Việt Nam, góp phần không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các thành viên APEC. Đặc biệt, Việt Nam đã khởi xướng và tham gia định hình tầm nhìn dài hạn cho hợp tác APEC. Nổi bật là việc xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Với sự linh hoạt và trách nhiệm, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng báo cáo với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”. Đây là cơ sở để các nhà lãnh đạo APEC thông qua Tầm nhìn APEC về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Trong hành trang tham gia APEC, Việt Nam đã đề xuất, triển khai gần 190 sáng kiến, dự án trên nhiều lĩnh vực quan trọng như cải cách cơ cấu, phát triển nhân lực, trao quyền cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thương mại điện tử.

Với việc Việt Nam một lần nữa được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đăng cai Năm APEC 2027 tiếp tục khẳng định uy tín và trách nhiệm của Việt Nam, quốc gia đã hai lần đảm nhiệm thành công trọng trách chủ nhà APEC vào các năm 2006 và 2017. Đúng như chia sẻ với báo chí của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, trong 26 năm tham gia APEC (1998-2024), Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hợp tác APEC và luôn được đánh giá là thành viên có nhiều đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào việc hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn hợp tác của APEC cũng như nâng cao vai trò của diễn đàn. Hãy cùng chờ đón APEC 2027 tại Việt Nam!

NGUYỄN ANH TUẤN (từ Lima, Peru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/khat-vong-cong-dong-thinh-vuong-ben-bo-thai-binh-duong-803315