Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4 có tên COMAY
Sau hơn 4 giờ hình thành, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông và tối nay (23/7) đã mạnh lên thành bão số 4 (có tên quốc tế COMAY). Tính đến tối nay, đã có 2 người chết và 5 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà ở tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An bị ngập do mưa lũ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tối nay (23/7), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (COMAY), trở thành cơn bão số 4 trên Biển Đông.
Hồi 19h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.
Dự kiến bão di chuyển từ 24h đến 72h tới như sau:

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11. Sóng cao 3,0–5,0m. Biển động rất mạnh. Tàu thuyền trong vùng nguy hiểm có nguy cơ gặp dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Cũng trong tối nay, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã thông tin về thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3. Mưa lũ đã làm 2 người chết tại Nghệ An (1 người do lũ cuốn; 1 người do sạt lở đất), 5 người bị thương (Thanh Hóa 1 người; Nghệ An 4 người).

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 4. Ảnh NCHMF
Về nhà ở: 687 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái (Phú Thọ 19 nhà, Thanh Hóa 251 nhà, Nghệ An 417 nhà); 3.351 nhà bị ngập (Nghệ An 3.237, Thanh Hóa 114 nhà).
Về nông nghiệp: 89.716 ha lúa bị ngập (Hưng Yên 10.000ha; Ninh Bình 56.117ha, Thanh Hóa 23.599ha), các tỉnh đang tập trung bơm tiêu nước chống úng; 4.375ha lúa, hoa màu bị gãy đổ, thiệt hại (Thanh Hóa 2.211ha, Nghệ An 2.164ha).
Về chăn nuôi có 3.276 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tại Thanh Hóa: 63 vị trí sạt lở tại Quốc lộ, tỉnh lộ với khối lượng 23.510m3. Tại Nghệ An: 150 vị trí bị sạt lở, ngập lụt tại các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ; 03 cầu treo bị cuốn trôi.
Trong ngày đã xảy ra 6 sự cố đê điều, trong đó 2 sự cố nứt dọc mặt đê hữu Cầu và đê hữu Hồng, TP Hà Nội; sạt mái đê bối Nam Quần Liêu, tỉnh Ninh Bình; sạt mái phía đồng đê Tây sông Cùng, tỉnh Thanh Hóa; lùng mang cống Vực Bưu đê hữu sông Nhơm, tỉnh Thanh Hóa; sạt mái phía sông đê kênh Tam Điệp, tỉnh Thanh Hóa); các địa phương đã xử lý giờ đầu.