Nghệ An: Lũ lớn dâng cao lịch sử, nhiều hộ dân bị ngập sau hoàn lưu bão số 3
Do ảnh hưởng của bão số 3, ở Nghệ An xảy ra mưa lớn khiến nước sông dâng cao, lũ đổ về cuồn cuộn. Quốc lộ 48 đoạn qua các xã Châu Bình, Quỳ Châu, Châu Tiến (thuộc huyện Quỳ Châu cũ), bị ngập sâu, toàn bộ phương tiện không được phép qua lại.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa rất lớn tại vùng núi phía Tây của tỉnh Nghệ An với lượng mưa phổ biến từ 120 - 200mm, nhiều nơi trên 300mm (trong 24 giờ qua).
Theo Thông báo khẩn số 604 do UBND tỉnh phát hành lúc 21h ngày 22/7/2025, lưu lượng nước đổ về thượng lưu hồ Thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m³/s, gần chạm ngưỡng lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m³/s, tương đương tần suất lũ 0,02%.

Thủy điện Bản vẽ xả điều tiết qua 6 cửa sáng 23/7. Ảnh: Báo Nghệ An.
Trước tình hình này, hồ Bản Vẽ đang tiến hành cắt giảm lũ, hiện đã xả xuống hạ du với lưu lượng 1.727m³/s và dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Mưa lớn kéo dài cùng với việc các thủy điện xả lũ khiến nhiều xã miền núi ở Nghệ An ngập sâu. Khu vực các xã Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương... và dọc quốc lộ 7, quốc lộ 48 ngập sâu.

Nước lũ bao vây, chia cắt địa bàn xã Con Cuông. Ảnh: Báo Nghệ An.
Hàng trăm ngôi nhà của các hộ dân miền núi ở Nghệ An nước ngập sát mái, giao thông nhiều khu vực bị chia cắt. Nhiều nơi lực lượng chức năng phải dùng xuồng, thuyền để di chuyển.

Nước đã dâng lên sát mái nhà của một số hộ dân. Ảnh: Báo Nghệ An.
Tại quốc lộ 48 đoạn qua xã Quỳ Châu và Châu Tiến, thuộc huyện Quỳ Châu cũ, do mưa lớn kéo dài nên từ đêm 22/7, nước các sông lên nhanh, đường ngập gần một mét. Một số ô tô chạy qua khu vực này bị chết máy.

Nước lũ dâng cao nên một số đoạn Quốc lộ 48 bị ngập sâu khiến người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Ảnh: Báo Nghệ An.
Sáng sớm 23/7, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trực tiếp đến địa bàn các xã miền Tây để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão số 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kiểm tra tại khu vực eo Vực Bồng (xã Con Cuông). Ảnh: Báo Nghệ An.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, cùng chính quyền các địa phương vùng hạ du của Thủy điện Bản Vẽ khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Đặc biệt, phải khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, cùng các cơ quan liên quan khi có tình huống, sự cố xảy ra.