Áp thấp nhiệt đới đổi hướng, Biển Đông khả năng đón bão vào cuối tuần

Áp thấp nhiệt đới vẫn trên vùng biển phía Đông Philippines, khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông cuối tuần này (ngày 19/7). Dự báo, khi vào Biển Đông, bão số 3 có thể mạnh thêm.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 19h ngày 17/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vẫn trên vùng biển phía Đông Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h. Đến 19h ngày 18/7, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippines), dự báo sẽ mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8-9, giật cấp 11.

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão di chuyển vào Biển Đông. Nguồn: NCHMF

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão di chuyển vào Biển Đông. Nguồn: NCHMF

Trong 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h, có khả năng vào Biển Đông và mạnh thêm. Đến 19h ngày 19/7, vị trí tâm bão trên vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông với cường độ cấp 10, giật cấp 12.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão đi vào Biển Đông vào cuối tuần này, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông từ chiều ngày 18/7 có gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên và cập nhật kịp thời trong các bản tin để phục vụ công tác chỉ đạo và ứng phó của các cấp, các ngành.

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động gần Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão, ngày 17/7, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk; các Bộ, ngành liên quan về việc tăng cường công tác ứng phó, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Theo đó, thời gian qua, nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng đã gây ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân; một số sự cố đê điều đã xảy ra và tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng, chống lũ. Hiện nay, các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đang ở mức cao và buộc phải vận hành mở cửa xả để đưa về mực nước đón lũ theo quy định.

Áp thấp nhiệt đới đang gần Biển Đông và khả năng mạnh lên thành bão. Từ ngày 20-25/7, khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn có thể xảy ra trong những ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương, bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến; quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện ra khơi.

Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống cầu cảng, khu vực du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy sản trên biển, cửa sông và ven bờ.

Chủ động phương án bảo đảm an toàn cho nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống điện và viễn thông; bảo vệ sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng tại khu đô thị và khu công nghiệp.

Khẩn trương sửa chữa, khắc phục các sự cố đê điều xảy ra thời gian qua; kiểm tra toàn bộ hệ thống đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Tăng cường kiểm tra, chủ động phương án bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước và khu vực hạ du, đặc biệt là các hồ nhỏ, hồ xung yếu, hồ đang thi công; sẵn sàng vận hành điều tiết khi có tình huống phát sinh.

Bảo Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ap-thap-nhiet-doi-doi-huong-bien-dong-kha-nang-don-bao-vao-cuoi-tuan-2422626.html