TP HCM chuyển đổi xanh với xe buýt, xe ôm công nghệ
Tại TP HCM, Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông theo quy mô thành phố mở rộng.
Đề án này chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Xây dựng lộ trình chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang xe điện, xe năng lượng xanh, áp dụng từ năm 2025. Mục tiêu đến năm 2035, 100% xe buýt của TP HCM sử dụng điện, xe năng lượng xanh.
Giai đoạn 2: Xây dựng đề án và tham mưu cho UBND TP HCM trình HĐND thành phố ban hành chính sách giảm khí thải các xe còn lại. Trong đó, tập trung xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi...
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết hôm nay (18-7), dự kiến cơ quan này sẽ trình UBND thành phố bản dự thảo Đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ chạy xăng sang xe điện trên địa bàn TP HCM để lấy ý kiến các sở, ngành.
Theo ông Hải, trong đề án này, TP HCM đề xuất 2 việc quan trọng với Trung ương. Đó là miễn thuế GTGT cho xe điện trong vòng 2 năm và miễn lệ phí trước bạ cho tài xế trong vòng 2 năm.
Từ những chính sách đó, TP HCM kỳ vọng trong 2 năm (2026-2027) sẽ chuyển đổi được 80% phương tiện (tương đương 320.000 chiếc) sang sử dụng xe điện. Đến năm thứ 3 không còn miễn thuế GTGT, miễn lệ phí trước bạ, thành phố vẫn có chính sách cho vay để tài xế chuyển đổi xe.
Đến hết năm 2028, TP HCM sẽ hoàn tất chuyển đổi 20% phương tiện còn lại. Tiến tới năm 2029, cấm hoàn toàn xe xăng 2 bánh tham gia cung ứng dịch vụ vận tải công nghệ trên địa bàn TP HCM. Ngoài ra, đề án cũng tính đến việc bảo đảm hạ tầng trạm sạc và vấn đề an toàn, phòng chống cháy, nổ.
Đề án đề xuất trích ngân sách hỗ trợ 10.000 xe máy điện cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, với mức khoảng 8 triệu đồng/xe. Sau đó, các tài xế có thể chọn hình thức trả góp mua phương tiện xanh từ 24-30 tháng.