Áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, Hà Nội tiếp tục nắng nóng
Áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông và mạnh thành bão. Thời tiết Hà Nội tiếp tục nắng nóng đến hết ngày 19-7, sau đó mưa dông.

Thời tiết Hà Nội nắng nóng đến hết ngày 19-7. Ảnh: Bảo Châu
Đài Khí tượng thủy văn Bắc Bộ cho biết, đêm 17-7, thời tiết Hà Nội mưa dông vài nơi, khởi phát từ các xã: Hương Sơn, Mỹ Đức, Hồng Sơn, Phúc Sơn, sau đó có thể lan rộng sang các địa bàn lân cận. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, gây nguy hiểm cho người dân khi di chuyển ngoài trời.
Ngày 18-7, Hà Nội tiếp tục nắng nóng trên diện rộng, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, độ ẩm thấp trong không khí ở mức thấp, 45-50%. Một số nơi thuộc nội thành như: Láng, Thanh Xuân, Hà Đông... có thể ghi nhận nắng nóng gay gắt kéo dài từ 11 giờ đến 17 giờ. Tình trạng nắng nóng dự kiến duy trì đến hết ngày 19-7.
Khoảng ngày 20-7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới thiết lập trở lại kết hợp với hội tụ gió trên cao, Hà Nội chuyển nhiều mây, mưa dông xuất hiện trên diện rộng, kết thúc đợt nắng nóng kéo dài.
Về diễn biến áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13 giờ ngày 17-7, áp thấp nhiệt đới đi vào vùng biển phía Đông Philippines, sức gió mạnh nhất cấp 7 (50–61km/giờ), giật cấp 9. Trong ngày 18-7, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sau đó, bão di chuyển nhanh vào Biển Đông trong ngày 19-7 với cường độ cấp 10, giật cấp 12.
Trên đất liền, từ ngày 22 đến 25-7, khu vực Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, có khả năng chịu ảnh hưởng của xoáy thuận nhiệt đới. Những ngày này, thời tiết nhiều mây, có mưa rào và dông, riêng ngày 22-7 có thể có mưa to đến rất to. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trước những dự báo bất lợi trên, chiều tối 17-7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk, đề nghị chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Bộ yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến trên biển, thông báo kịp thời đến các phương tiện đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm để phòng tránh; khẩn trương kiểm tra, khắc phục sự cố đê điều, bảo vệ an toàn các công trình hồ chứa, sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Bộ cũng yêu cầu sẵn sàng phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất; tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo thường xuyên về Bộ Nông nghiệp và Môi trường.