Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở nhiều nơi, cảnh báo gió mạnh trên biển
Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, cảnh báo mưa vừa, mưa to và gió giật mạnh, đặc biệt là trên Biển Đông.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều 14/7, áp thấp nhiệt đới đã vượt qua phía Bắc đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông.
Hồi 16 giờ ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ vĩ bắc; 119,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - cấp 7 (39 - 61 km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 - 48 giờ tới, áp thấp di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Khoảng 16 giờ ngày 15/7, áp thấp ở vị trí trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), khoảng 860 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, và còn tiếp tục mạnh thêm.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão. Theo ông Hưởng, sau khi đi vào Biển Đông, đường đi của bão có nhiều kịch bản. Tuy nhiên, 2 khả năng cao nhất xảy ra là cơn bão đi theo hướng Bắc (tức là đi vào đất liền Trung Quốc) và đi theo phía Tây, tác động đến đất liền Việt Nam.
"Khả năng đi vào đất liền Trung Quốc có xác suất 50 - 60%, trường hợp này ít tác động đến đất liền Việt Nam, chỉ có tác động trên Biển Đông. Khả năng còn lại là đi vào đất liền Việt Nam, nếu điều này xảy ra, cơn bão sẽ gây ra mưa rất lớn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ", ông Hưởng nói, và cho hay, vẫn có nhiều sự biến đổi của cơn bão.
Trước đó, tối 14/7, ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ, khu vực vùng núi Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 14/7 đến 3 giờ ngày 15/7 có nơi trên 80 mm như: Tà Tổng 2 (Lai Châu) 123,6 mm, Huổi Leng (Điện Biên) 152 mm, Suối Bau (Sơn La) 81 mm, Nghĩa Đô (Lào Cai) 100 mm, Thuận Hòa (Hà Giang) 102 mm, La Tô (Gia Lai) 206,4 mm, Ia Dom (Kon Tum) 136,4 mm…
Trong sáng 15/7, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 30 - 60 mm, có nơi trên 100 mm; vùng đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20 - 40 mm, có nơi trên 60 mm.
Ngày và đêm 15.7, ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20 - 50 mm, có nơi trên 80 mm (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với áp thấp nhiệt đới (sau có khả năng mạnh lên thành bão) kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên ngày và đêm 15.7, ở vùng biển phía Đông và phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngày và đêm 16/7, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, riêng vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12; sóng biển 4 - 6 m, biển động rất mạnh.
Ngày và đêm 16.7, ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9; sóng biển 3,5 - 4,5 m; biển động mạnh.