Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chiều 28-10, vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông lúc 21 giờ ngày 28-10.

Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông lúc 21 giờ ngày 28-10.

Hồi 16 giờ ngày 28-10, vị trí tâm ATNĐ vào khoảng 10,5 độ vĩ bắc; 118,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 450 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50 km. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 29-10, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 11,5 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 70 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là phía bắc vĩ tuyến 10,0 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 113,5 độ kinh đông. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km.

Đến 16 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Từ ngày 30-10, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 7,vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8; biển động.

* Ngày 28-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 15 gửi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các bộ, ngành liên quan, đề nghị triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước, trong đó tập trung thông báo cho thuyền trưởng, chủ tàu, thuyền trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Cần quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với tàu thuyền trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ để kịp thời xử lý các tình huống xấu; rà soát, chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo đảm an toàn cho khách du lịch ở ven biển và trên các đảo; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu và công trình đang thi công; rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn.

* Chiều 28-10, tại hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang có một số điểm mưa to cục bộ. Lượng mưa đo được tại Dương Quỳ (huyện Văn Bàn, Lào Cai) là 64,6 mm; Nà Chì (huyện Xín Mần, Hà Giang) 25,6 mm…

Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Sa Pa, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên (Lào Cai), Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên (Yên Bái) và Xín Mần, Quang Bình, Hoàng Su Phì (Hà Giang).

* Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước trên sông Đồng Nai đang lên cao theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch. Dự báo, đỉnh triều sẽ xuất hiện vào khoảng 19 giờ ngày 29-10 với mực nước tại trạm Biên Hòa có thể đạt 1,96 m, xấp xỉ mức báo động 3. Mực nước trên sông Đồng Nai - Sài Gòn sẽ tiếp tục lên cao. Đến ngày 30-10, mực nước tại trạm Biên Hòa xuống chậm.

* Ngày 28-10, UBND tỉnh Quảng Bình có công văn chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều, tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi bảo đảm không gây ảnh hưởng đến an toàn đê. Tỉnh Quảng Bình yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn...

* Trước dự báo ATNĐ trên Biển Đông có thể mạnh lên thành bão, UBND huyện Sông Cầu (Phú Yên) cho biết đang cấp tốc triển khai phương án bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Hiện nay, chủ nuôi của hơn 70.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã tổ chức giằng chống lồng bè để tránh thiệt hại khi bão xảy ra.

* Tại Bình Định, công tác bảo đảm an toàn cho người nuôi và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng đã được triển khai quyết liệt. Trong khu vực Hải Minh thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đang có 107 hộ nuôi các loại cá chẽm, cá bớp, cá mú, cá hồng Mỹ… với khoảng 1.266 lồng nuôi, 188 bè nuôi. Còn ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng đang có 61 hộ chuyên nuôi tôm hùm thương phẩm đã thả nuôi 70.000 con tôm giống trên 34 bè nuôi. Hiện, những hộ nuôi trồng thủy sản ở Bình Định đã giằng chống, gia cố lồng bè để đối phó ATNĐ trên Biển Đông.

* Theo Tổng cục PCTT, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các huyện miền núi Thanh Hóa có năm người chết, 10 người mất tích, 76 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 66 nhà bị thiệt hại rất nặng, 312 nhà bị thiệt hại một phần, 1.242 nhà bị ngập, 14 điểm trường bị ảnh hưởng. Vừa qua, tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam đã trao quà cho 46 hộ gia đình chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 tại xã Na Mèo và Sơn Thủy (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với tổng giá trị 525 triệu đồng.

* UBND tỉnh An Giang có văn bản yêu cầu sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tập trung kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua khu vực biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Những tháng cuối năm, nhất là dịp lễ, Tết, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường biện pháp vệ sinh, sát trùng phương tiện vận chuyển qua lại tại các cửa khẩu biên giới theo quy định.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42060602-ap-thap-nhiet-doi-tren-bien-dong-se-manh-len-thanh-bao.html