Áp thấp nhiệt đới vào biển Đông, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó
Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã vào biển Đông, với sức gió cấp 7, giật cấp 9. Trong 24 đến 48h tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 4. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, trưa nay (ngày 17/9), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc chủ động ứng phó với hình thái thời tiết xấu này.
Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.
Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay, ATNĐ đã vượt qua đảo Ludong (Philippin) vào vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông; hồi 10h sáng nay, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 119,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo, ANTĐ sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/giờ về hướng quần đảo Hoàng Sa và có khả năng mạnh lên thành bão trong 24h tới, bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và và đất liền nước ta, gây gió giật mạnh, mưa lớn ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày tới.
Diễn biến của ATNĐ này còn rất phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển và hướng di chuyển). Để chủ động ứng phó, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của ATNĐ cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP nêu trên chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai, trong đó tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.
Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với ATNĐ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tỉnh mạng hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó ATNĐ, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.