Áp thuế đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan
Việc chính thức quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời với đường có xuất xứ từ Thái Lan kể từ ngày 9/2/2021 được đánh giá là phần nào giảm bớt áp lực cho ngành mía đường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành đường vẫn phải chịu những tổn thất nặng nề trước vấn nạn đường nhập lậu Thái Lan.
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Theo đó, ngày 15/6/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (Thái Lan).
Trước đó, trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Bộ Công thương cho biết, đã bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 21/9/ 2020 sau khi thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Quá trình điều tra đã được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan. “Trên cơ sở thông tin của ngành sản xuất trong nước, Chính phủ Thái Lan và các bên liên quan, Bộ Công thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng mức độ bán phá giá và trợ cấp của các sản phẩm đường mía Thái Lan, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước cũng như đánh giá tác động kinh tế-xã hội, gồm cả tác động tới các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng” - Bộ Công thương thông tin.
Kết quả điều tra của Bộ Công thương cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%. Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận... Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung-cầu hiện nay, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương quyết định áp thuế CBPG, CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%. Quyết định áp thuế CBPG, CTC này có thời hạn 5 năm và có thể được rà soát theo đúng quy định pháp luật.
“Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp CBPG, CTC, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả… để triển khai các biện pháp ổn định thị trường đường theo đúng quy định”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Trước đó, một thời gian dài tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan vào thị trường trong nước đã khiến ngành mía đường nước nhà lao đao, giá đường trong nước bị sụt giảm thậm tệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN ngành đường và nông dân trồng mía.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng mạnh nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2019-2020 ép chưa được 900.000 tấn đường so với trung bình hàng năm trên 1,2 triệu tấn đường).
Quý I/2021, doanh nghiệp sản xuất đường nội đã ép được 5,8 triệu tấn mía với hơn 611.000 tấn đường, thấp hơn 700.000 tấn so với niên vụ 2019-2020. Con số này cho thấy sự thiệt hại nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam đang phải gánh chịu trước sự tấn công ồ ạt của đường nhập khẩu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ap-thue-doi-voi-duong-nhap-khau-tu-thai-lan-5654437.html