Áp trần giá dầu Nga: Na Uy 'xuống tay' với Moscow, Hungary và EU 'lời qua tiếng lại', một số quốc gia vạch 'lằn ranh đỏ'
Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Na Uy thông báo, nước này đã áp giá trần đối với dầu thô từ Nga ở mức 60 USD/thùng, phù hợp với mức giá trần của Liên minh châu Âu (EU).
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Na Uy: "Na Uy đã đưa ra giá trần đối với dầu thô từ Nga ở mức 60 USD/thùng như một phần của lệnh trừng phạt. Điều này phù hợp với mức giá trần được EU và Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) thông qua”.
Theo Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt, nước này ủng hộ đường lối của EU và các đồng minh khác liên quan đến các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Cùng ngày, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Daniel Ferrie phản bác cáo buộc của Hungary rằng quyết định của EU áp giá trần đối với dầu thô từ Nga là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tại các trạm xăng dầu của quốc gia Trung Âu này.
Ông Ferrie khẳng định, cáo buộc do chính quyền Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra là "hoàn toàn vô nghĩa", đồng thời, nhấn mạnh quyết định áp giá trần dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng "không có tác động đến khả năng nhập khẩu dầu của Hungary thông qua đường ống của nước này, vì giá trần chỉ áp dụng cho mặt hàng dầu vận chuyển bằng đường biển".
Theo người phát ngôn EC, trong khi các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào các mặt hàng có nguồn gốc từ dầu và dầu tinh chế của Nga "vẫn chưa có hiệu lực, do vậy không có lý do gì cho thấy các lệnh trừng phạt của EU hiện đang ảnh hưởng đến nguồn cung ở Hungary".
Trong diễn biến liên quan, một bức thư do hãng tin Reuters có được, 6 nước thành viên EU, gồm Đức, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Estonia và Luxembourg, đã vạch ra lằn ranh đỏ đối với quyết định áp giá trần khí đốt của EU.
Những quốc gia trên cho rằng, quyết định này sẽ cản trở sự vận hành bình thường của thị trường năng lượng châu Âu và khiến việc mua nhiên liệu khó khăn hơn, nếu nhà cung cấp khí đốt chuyển hàng hóa đến các khu vực không bị áp giá trần.
Trong khi đó, Bỉ, Italy, Ba Lan và Hy Lạp nằm trong số những quốc gia nhận thấy việc áp giá trần là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế khỏi hậu quả do chi phí khí đốt cao gây ra; thậm chí họ còn muốn mức giá trần thấp hơn mức mà Ủy ban châu Âu đưa ra.