APEC 2020: Trung Quốc có cơ hội tái thiết 'bức tranh' thương mại châu Á-Thái Bình Dương
Trung Quốc sẽ có cơ hội tham gia tái thiết 'bức tranh' hoạt động thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Đối thoại của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2020 diễn ra trong hai ngày 19-20/11.
Trung Quốc sẽ có cơ hội tham gia tái thiết "bức tranh" hoạt động thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Đối thoại của các lãnh đạo doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2020 diễn ra trong hai ngày 19-20/11 (theo giờ địa phương), nhiều ngày sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết và nước Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Diễn đàn APEC 2020, được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, quy tụ 21 nền kinh tế thành viên trên vành đai Thái Bình Dương, trong đó có hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Trung Quốc đã tham gia hình thành các khối thương mại trong những năm gần đây trong khi nước Mỹ thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu quan trọng với tựa đề "Tương lai của hợp tác quốc tế" trong ngày khai mạc sự kiện kéo dài hai ngày này.
Trước đó, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) đã khuyến nghị các nền kinh tế thành viên đoàn kết và xây dựng một cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương giàu sức sống.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 17/11, một trong những sự kiện trù bị cho hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, ABAC cho biết ưu tiên hội nhập và các chính sách thân thiện với thương mại, đổi mới và hòa nhập là những nội dung chính được đưa vào báo cáo năm nay gửi tới các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.
Chủ tịch ABAC Rohana Mahmood cho biết: "Đây là thời điểm chưa từng có, đòi hỏi những phản ứng táo bạo. Thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế lớn nhất trong 100 năm qua.
Chúng ta muốn có một khu vực cùng phản ứng trước những thách thức chung. Một khu vực coi trọng các kết nối giữa chúng ta - bao gồm thương mại và đầu tư tự do, cởi mở và nền kinh tế kỹ thuật số năng động. Những bạn láng giềng giúp đỡ lẫn nhau trong lúc cần thiết, tôn trọng sự khác biệt của nhau, và duy trì cam kết hướng tới sự hòa nhập và bình đẳng hơn".
Bà Rohana cũng cho biết những yếu tố nêu trên sẽ góp phần xây dựng khả năng phục hồi cao hơn, đặc biệt là khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng về y tế trong tương lai, mà còn chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một nhanh hơn./.