APEC 2022: Tăng cường hội nhập kinh tế

Hội nghị cấp cao APEC năm nay chú trọng thúc đẩy kinh tế, tăng cường hội nhập và vượt lên trên khác biệt, hợp tác cùng giải quyết khó khăn hiện tại.

Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chính thức khai mạc vào ngày 18-11 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) và sẽ kéo dài đến hết ngày 19-11. Trọng tâm của hội nghị năm nay là chú trọng thúc đẩy, tăng cường hội nhập kinh tế và vượt lên trên khác biệt, hợp tác cùng giải quyết khó khăn hiện tại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022 diễn ra ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022 diễn ra ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy kinh tế, tăng cường hội nhập

Phát biểu khai mạc APEC 2022, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết ông muốn hội nghị lần này thảo luận về cách các nhà lãnh đạo có thể cùng hợp tác để đẩy mạnh nỗ lực chuyển đổi sang tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, theo tờ Bangkok Post.

“Chúng ta hiện vẫn đối mặt với những hậu quả cả về kinh tế lẫn xã hội mà đại dịch COVID-19 gây ra. Chúng đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn do những thách thức trong bối cảnh toàn cầu hiện tại. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, thứ gây hậu quả không chỉ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn cho toàn nhân loại. Do đó, chúng ta phải làm việc cùng nhau để giảm thiểu tác động của nó và bảo vệ hành tinh của chúng ta” - Thủ tướng Prayut nói.

“Chúng ta không thể tiếp tục làm việc như lối cũ. Chúng ta cần thay đổi tư duy, thay đổi cách chúng ta sống và kinh doanh” - ông nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Thái Lan, các lãnh đạo APEC cũng đang thảo luận về nguy cơ xảy ra siêu lạm phát và suy thoái kinh tế trong bối cảnh các nền kinh tế thành viên tìm cách tăng gấp đôi nỗ lực để đảm bảo rằng sự phục hồi phải mang tính toàn diện.

“APEC phải nhìn xa hơn, không chỉ gói gọn trong việc phục hồi sau đại dịch mà còn phải hướng tới trẻ hóa và phục hồi môi trường, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và đảm bảo tăng trưởng một cách toàn diện và bền vững hơn” - Thủ tướng Prayut nói.

Các quan chức Thái Lan cho biết việc đàm phán về khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) đã đạt tiến bộ và sẽ được trình bày trong hội nghị cấp cao ngày 18-11 để các nhà lãnh đạo APEC phê duyệt.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Nhật Nikkei Asia, một số nước tỏ ra không quá mặn mà với một hiệp định thương mại mới khi hiện đã có hai thỏa thuận kinh tế đa phương sâu rộng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nhiều bên muốn cải thiện chất lượng hội nhập kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh sự hợp tác của khu vực tư nhân là ưu tiên hàng đầu của Washington, đài CNBC đưa tin.

Bà cũng nhắc lại những nỗ lực kinh tế trước đây của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như việc công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), cũng như việc Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) huy động khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 600 tỉ USD cho các quốc gia đang phát triển.

Theo bà, tăng cường dòng chảy thương mại và đầu tư cũng là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm tiếp tục gắn kết với khu vực. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác của mình trong khu vực này để tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng dòng vốn tự do, tăng mức hàng hóa và dịch vụ vốn đã cao giữa Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - bà Kamala Harris nhấn mạnh.

Trước đó, theo Nikkei Asia, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ thông qua kế hoạch chuẩn hóa giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19, mở lại hoạt động du lịch và chuẩn bị các phương án dự phòng cho một cuộc khủng hoảng khác giống như đại dịch.

Ông Cherdchai Chaivaivid, Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết: “Các nền kinh tế APEC nhất trí về một loạt khuyến nghị để đảm bảo rằng nếu đối mặt những gián đoạn trong tương lai, chúng ta sẽ không phải quay lại thời kỳ đóng cửa biên giới một lần nữa”. Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng cho biết rất có thể hội nghị năm nay sẽ kết thúc mà không có tuyên bố chung, do các lãnh đạo không chỉ bàn về vấn đề kinh tế, theo tờ The Nation Thailand.

“Là diễn đàn kinh tế hàng đầu và là nơi ươm mầm các ý tưởng, APEC có các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng chất lượng trong dài hạn, mang lại lợi ích hữu hình cho tất cả mọi người” - Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định.

“Gác lại mọi bất đồng”

Tại Hội nghị bộ trưởng APEC 2022 ngày 17-11, các bộ trưởng đã cùng nhau thống nhất các ý tưởng nhằm thúc đẩy hội nhập, thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm theo đuổi mục tiêu chung là phục hồi bền vững và toàn diện trong một thế giới có nhiều bất ổn. Hội nghị do Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawit đồng chủ trì.

“Cuộc họp của chúng ta hôm nay diễn ra vào một thời khắc then chốt. Thế giới đang đối mặt với nguy cơ siêu lạm phát kết hợp với suy thoái, khan hiếm và đứt gãy chuỗi cung ứng, thiên tai, cũng như phương thức sản xuất lỗi thời cần được điều chỉnh nghiêm túc bằng đổi mới công nghệ” - ông Don nói. Theo ông, nhóm họp giữa lúc thế giới đang đối mặt với vô số rủi ro, APEC năm nay phải vượt lên trên những khác biệt và mang lại hy vọng cho thế giới nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC ngày 18-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh cần thiết lập một thế cân bằng và ổn định mới ở khu vực để tránh những xung đột mới, theo đó sự cân bằng năng động là chìa khóa để các quốc gia tránh bị buộc phải lựa chọn giữa các siêu cường.

Nhà lãnh đạo Pháp cam kết Paris sẽ nỗ lực để trở thành một đối tác tin cậy ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Điều chúng ta cần là chia sẻ chiến lược, trung thực và minh bạch, để giải quyết những thách thức này và cùng hợp tác lẫn nhau. Tôi chắc chắn rằng cách duy nhất để có một thế cờ đôi bên cùng có lợi chính là hợp tác” - chủ nhân điện Élyseé nhận định.

Theo TTXVN, tham dự phiên khai mạc sáng 18-11, chia sẻ đánh giá về tình hình và tương lai của APEC, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói rằng thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc và diễn đàn APEC cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Do đó, theo ông, những gì các thành viên thống nhất trong nhận thức và hành động hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với APEC và cho nhiều thế hệ mai sau.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và phát triển bền vững là mục tiêu, là trách nhiệm chung, đòi hỏi sự chung tay, kề vai sát cánh của tất cả nền kinh tế APEC, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển”.•

Các nhà lãnh đạo APEC họp khẩn vụ Triều Tiên phóng tên lửa

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước đồng minh đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bangkok và lên án việc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 18-11, theo đài CNBC.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris coi vụ phóng là “sự vi phạm trắng trợn” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như là một hành động “gây mất ổn định an ninh trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng một cách không cần thiết”. “Hàn Quốc lên án mạnh mẽ hành động này và kêu gọi Triều Tiên chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức khiêu khích, tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” - Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa rơi cách nước này 200 km, đồng thời cho biết thêm rằng dựa trên tính toán quỹ đạo bay, tên lửa Triều Tiên có thể có tầm bắn tới 15.000 km và đe dọa lãnh thổ Mỹ. Các lãnh đạo Canada, New Zealand và Úc cũng lên án hành động của Bình Nhưỡng.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/apec-2022-tang-cuong-hoi-nhap-kinh-te-post708419.html