APEC cảnh báo tăng trưởng chậm lại do căng thẳng thương mại

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hôm 15/5 cho biết tăng trưởng chung của các thành viên có thể chậm lại đáng kể, vì căng thẳng thuế quan và sự bất ổn chính sách gây áp lực lên đầu tư và thương mại.

APEC, với 21 nền kinh tế thành viên bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, dự báo tăng trưởng chung sẽ giảm xuống 2,6% vào năm 2025, từ mức 3,6% của năm trước.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC năm 2025 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/5 tại Hàn Quốc. Ảnh: APEC

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC năm 2025 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/5 tại Hàn Quốc. Ảnh: APEC

"Từ việc tăng thuế quan và các biện pháp trả đũa đến việc đình chỉ các thủ tục tạo thuận lợi cho thương mại và sự gia tăng của các rào cản phi thuế quan, chúng ta đang có một môi trường không có lợi cho thương mại", ông Carlos Kuriyama, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ Chính sách APEC, cho biết tại một cuộc họp ở Hàn Quốc.

Ông Kuriyama cũng cho biết sự bất ổn đang gây áp lực lên niềm tin kinh doanh, khiến nhiều công ty trì hoãn đầu tư và ra mắt sản phẩm mới cho đến khi tình hình trở nên "dễ dự đoán hơn".

Cũng theo đại diện Cơ quan Hỗ trợ Chính sách APEC, việc khôi phục niềm tin vào thương mại không chỉ đòi hỏi phải giảm bớt căng thẳng mà còn cần các hành động như tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và cải thiện tính minh bạch của các quy tắc và thủ tục thương mại.

Phát biểu với đài CNBC, cựu Bộ trưởng thương mại Canada Mary Ng cho rằng các công ty, doanh nhân và quốc gia đang tìm kiếm các thỏa thuận thương mại cung cấp cho các đối tác thương mại khả năng dự đoán nhất định để hợp tác kinh doanh với nhau.

Bà Mary Ng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng thương mại Canada (tháng 6/2018 - tháng 3/2025) khi Tổng thống Trump áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu và Mỹ là thị trường thép lớn nhất của Canada. Khi còn đương chức, bà Mary Ng đã tìm kiếm một cuộc tham vấn chính thức với Mỹ để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế quan.

"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp của mình, phải làm hết sức mình, tạo ra môi trường điều kiện phù hợp, để có thể dự đoán được, để có các quy tắc, để doanh nghiệp có thể tin tưởng vào điều đó và họ có thể lập kế hoạch cho điều đó. Đó là những gì họ mong đợi chính phủ thực hiện", bà Mary Ng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Malaysia Tengku Zafrul Aziz, người hoan nghênh động thái hạ nhiệt căng thẳng thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại giữa các quốc gia. Malaysia và các nước ASEAN khác tin vào "hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ", ông Aziz cho biết.

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala, cũng tham dự cuộc họp và kêu gọi "cần phải có đối thoại với Mỹ để tìm hiểu lý do tại sao chúng ta lại rơi vào tình trạng như hiện tại và chúng ta có thể làm gì về vấn đề này".

Bà cảnh báo về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng "nếu thế giới chia thành hai khối thương mại toàn cầu, chúng ta có thể mất 7% GDP toàn cầu trong dài hạn".

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/apec-canh-bao-tang-truong-cham-lai-do-cang-thang-thuong-mai-d284089.html