APEC gia tăng nỗ lực thực hiện Mục tiêu Bô-go
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến xu hướng chuyển dịch trọng tâm chính trị - kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gia tăng nỗ lực thực hiện Mục tiêu Bô-go, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực vào năm 2020, nhằm đưa khu vực này trở thành một cộng đồng ngày càng gắn kết.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị với chủ đề "APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21" do Bộ Ngoại giao phối hợp Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: Là cơ chế đã được hình thành hơn hai thập kỷ, APEC hội tụ đầy đủ các trung tâm kinh tế lớn của hai bờ Thái Bình Dương. Các nền kinh tế APEC đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Bô-go nhằm thúc đẩy mở rộng hợp tác, liên kết về tự do hóa thương mại - đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế kỹ thuật, tiến hành cải cách, thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững và ứng phó các thách thức toàn cầu. APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu trong liên kết kinh tế, điều phối, gắn kết các cơ chế liên kết khu vực, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á -Thái Bình Dương.
Đẩy mạnh thực hiện Mục tiêu Bô-go - thỏa thuận được thông qua năm 1994 tại Bô-go (In-đô-nê-xi-a) nhằm thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại đầu tư đến năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và đến năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển, là một trong những trọng tâm ưu tiên của APEC. Đến nay, các thành viên APEC đã đi được hơn một nửa chặng đường, năm 2010 các nền kinh tế phát triển đã hoàn thành những mục tiêu đề ra trong nửa chặng đường đầu và các thành viên đang phát triển phấn đấu hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, do hội tụ nhiều nền kinh tế với trình độ phát triển không đồng đều, những năm gần đây lại chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nên tiến trình này bị chững lại. Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Tan Chi-an, Trưởng Nhóm quan chức cấp cao (SOM) APEC của Trung Quốc, với Mục tiêu Bô-go, APEC đang trở thành khu vực dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế và đầu tư. Theo ông, năm 2012, APEC đã đạt được thỏa thuận về hàng hóa và dịch vụ môi trường, một lĩnh vực mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa đạt được nhiều tiến triển. Vì vậy những gì mà APEC đã đạt được là rất khả quan.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa vững chắc vì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và dự báo sẽ phục hồi chậm. Hệ thống thương mại đa phương, Vòng đàm phán Đô-ha vẫn trì trệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, trong khi nhiều vấn đề mới về kinh tế - thương mại đang đặt ra. Những chuyển dịch trong cục diện chung sẽ tiếp diễn trong những thập kỷ tới, đặt ra nhiều thách thức đối với nỗ lực phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Là một trong những cơ chế liên kết kinh tế được hình thành sớm nhất trong khu vực, trong hai thập kỷ qua, APEC đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương cũng như cho sự phát triển của từng nền kinh tế.
Hơn bao giờ hết, hợp tác và hội nhập đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với APEC. Các thành viên APEC đang cùng nhau chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn. Đó là hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi kinh tế, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong nền kinh tế toàn cầu. Ông Đ.Đót-oen, đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) chia sẻ: "Tôi cảm thấy được khích lệ bởi tiến trình phát triển của APEC và tiến trình hợp tác của khu vực này. Sự khích lệ đó đến từ sự chuẩn bị của mỗi nước để hài hòa với tiêu chuẩn chung về hải quan, thuế quan. Những thành tựu các nước đạt được thông qua thỏa thuận trung gian càng lớn thì kết quả đạt được vào năm 2020 càng cao".
Sự hợp tác đối với 21 nền kinh tế thành viên có ý nghĩa quan trọng nhằm đối phó tình trạng suy thoái của nền kinh tế thế giới. Các nước thành viên APEC nhất trí cần tăng cường hợp tác hơn nữa, coi đó là chìa khóa giúp các nước đối phó tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số thành viên APEC như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a... đang chững lại, tuy nhiên, về tổng thể, nền kinh tế khu vực APEC được dự báo tăng 6,3% trong năm nay và 6,6% trong năm tới. Vì vậy, khu vực APEC vẫn có một vị thế lý tưởng để đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.