APEC thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm
Trong khuôn khổ hợp tác APEC, ngày 31/3 - 01/4/2022 Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC và Hiệp hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức 'Hội thảo APEC về thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm' theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo là cơ hội để các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội trong bối cảnh mới hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, thời gian qua nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới đã quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp xã hội (DNXH) nhờ những đóng góp đáng kể và tích cực của họ trong giải quyết các vấn đề xã hội, tạo cơ hội việc làm và xóa đói giảm nghèo thông qua chiến lược kinh doanh sáng tạo và bền vững.
Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về kinh doanh bao trùm cho thấy, DNXH ngày càng có vai trò và đóng góp to lớn trong thực tế; ước tính đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bao trùm chiếm khoảng 10 tỷ USD trong năm 2016. Ngoài ra, theo Ủy ban Châu Âu, lĩnh vực DNXH hiện sử dụng khoảng 40 triệu lao động và thu hút hơn 200 triệu tình nguyện viên trên toàn cầu, con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên, cũng theo các nghiên cứu này, chỉ có khoảng 1.900 doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm đang hoạt động tại các nền kinh tế APEC, với phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp thực hiện chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Tính theo khu vực, mô hình kinh doanh bao trùm đặc biệt phát triển ở châu Á với 26%, tiếp theo là châu Mỹ Latinh 20% và các nền kinh tế APEC là 8%.
Trên thực tế, hiện nay các DNXH đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến các lĩnh vực khác nhau như: luật pháp, xã hội, kinh tế, vấn đề quản trị doanh nghiệp...
“Vì DNXH hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích xã hội lớn hơn cho cộng đồng trong khi vẫn dựa trên mô hình kinh doanh vì lợi nhuận và cạnh tranh, do vậy thách thức của họ cũng nhiều hơn các doanh nghiệp truyền thống vốn chỉ tập trung vào vấn đề lợi nhuận”, bà Thùy nhận định.
Trên tinh thần cam kết của APEC về tính bền vững và bao trùm, Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo cấp cao APEC năm 2021 đã khẳng định: “Chúng ta cần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh và sự tham gia bình đẳng vào nền kinh tế cho tất cả người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau” và đảm bảo “mức hỗ trợ chưa từng có cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19”.
Cam kết về sự phát triển bền vững và bao trùm cũng đã được phản ánh trong các diễn đàn và các nhóm công tác APEC thông qua ưu tiên tập trung vào phát triển hệ sinh thái kinh doanh hỗ trợ tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, DNXH có vai trò quan trọng góp phần thực hiện các cam kết của APEC trong việc theo đuổi sự thịnh vượng chung nhờ vào sự năng động và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đến từ các nền kinh tế thành viên APEC đã thông tin về tình hình tổng quan doanh nghiệp bao trùm và doanh nghiệp xã hội trong khu vực APEC. Trọng tâm của Hội thảo là các Phiên thảo luận với những chủ đề chủ yếu nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển DNXH tại các nền kinh tế thành viên APEC trong thời gian tới. Đó là các chính sách và quy định có thể giúp thúc đẩy kinh doanh bao trùm và phát triển DNXH thông qua chia sẻ kinh nghiệm ở các nền kinh tế thành viên APEC; các vấn đề kinh doanh mà các DNXH cần lưu ý để theo đuổi sứ mệnh và giá trị DNXH của mình cũng như đạt được những thành tựu kinh tế...
Thông qua Hội thảo giúp doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước thành viên APEC tìm hiểu, xác định các cơ hội và thách thức mà DNXH có thể nắm bắt để tận dụng hiệu quả các cơ hội, giải quyết thách thức, qua đó thúc đẩy DNXH trong khu vực phát triển vì sự năng động, bao trùm và bền vững.