COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Đến với Hội nghị COP29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm.

COP29 được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu

COP29 được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu

Từ ngày 11- 22/11, hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijan, dự kiến sẽ thu hút khoảng 80.000 đại biểu tham gia. Nhiệm vụ chính của COP29 là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hằng năm mà các nước giàu sẽ cung cấp, nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.

COP29 được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu, trong bối cảnh nhiệt độ tại nhiều nơi liên tục phá kỷ lục và các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Hội nghị COP29 diễn ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử và nhiều quốc gia ở hầu khắp các lục địa ghi nhận các đợt bão lũ, hạn hán gây hậu quả nghiêm trọng. Số liệu của LHQ chỉ ra rằng, lượng khí thải nhà kính CO2 toàn cầu dự kiến sẽ đạt 41,6 tỷ tấn vào năm nay, tăng so với mức 40,6 tỷ tấn của năm ngoái.

Theo các nhà khoa học, xu hướng tăng này có nghĩa là mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp không hiệu quả. “Chúng ta đang trong giai đoạn đếm ngược cuối cùng để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, và thời gian không đứng về phía chúng ta”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh.

Với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ nhiều nước trong đó có các nguyên thủ quốc gia, COP29 không chỉ là nơi trao đổi chính sách mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Cam kết tài chính 100 tỷ đô la mỗi năm cho ứng phó biến đổi khí hậu sẽ hết hạn trong năm 2024. Bởi vậy, Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 29) đang diễn ra tại Azerbaijan còn được biết tới là hội nghị về tài chính.

Nhiệm vụ chính của gần 200 quốc gia tại Hội nghị là đưa ra một thỏa thuận đảm bảo tài trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD cho các dự án khí hậu trên toàn thế giới trong tương lai.

Đến với hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Đến với hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Đoàn Việt Nam tham dự COP29 gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam, cho biết: Khẩu hiệu chính của hội nghị COP 29 là: “Đoàn kết vì một thế giới xanh”“Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”.

Đến với hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm.

Khẩu hiệu đầu tiên ngoài lý do chiến tranh, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết, cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính. Đoàn kết để cùng thấu hiểu, cùng thực hiện vì một mục tiêu chung.

Khẩu hiệu thứ hai bắt nguồn từ kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cho thất, dù đạt được tất cả cam kết giảm phát thải thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng từ 2,4 - 2,7 độ C, vượt quá xa giới hạn nhiệt độ theo mục tiêu cùa Thỏa thuận Pari là 2 độ C và cố gắng chỉ ở 1,5 độ C. Vì vậy, các nước phải “nâng cao tham vọng” của mình để tương thích với cái mục tiêu trong thỏa thuận Paris, và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực.

Về phía Việt Nam, ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định và nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Đến với hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm.

Việt Nam đã và đang kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định cũng như nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đến với Hội nghị COP29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng bởi hiện nay, chênh lệnh đang quá lớn. Theo báo cáo mới nhất, nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng biến đổi khí hậu nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng 2 – 3% còn lại dành cho các hoạt động vừa thích ứng, vừa giảm nhẹ.

Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng

Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng

Việt Nam quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Tại COP26, Việt Nam cùng nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, Việt Nam chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đạt nhiều kết quả quan trọng sau nhiều năm triển khai.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ V của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam về tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vừa được ban hành tháng 10/2024 đã nêu rõ, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, hậu quả ngày càng lớn; chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, không thể thực hiện bởi một quốc gia thực hiện mà cần tiếp cận công bằng, toàn cầu và toàn dân.

Kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng thời gian qua là rất đáng trân trọng, khá toàn diện trên các mặt, cả về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; thu hút nguồn lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; triển khai các dự án, hành động cụ thể, được cộng đồng quốc tế và nhân dân cả nước đánh giá cao. Trong thành quả chung của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, có sự đóng góp của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Các nội dung cam kết tại Hội nghị COP26 đã được nhanh chóng thể chế, cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch và các đề án cụ thể. Chính phủ, các Bộ, cơ quan đã xây dựng và triển khai đồng bộ, toàn diện các chương trình, kế hoạch hành động từ Trung ương đến địa phương theo hướng phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Nhận thức về nguy cơ, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ đó đã chủ động, tích cực tham gia một cách trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh. Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu với tiềm lực kinh tế mạnh, công nghệ cao, công nghệ ít phát thải khí nhà kính đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nguồn và lưới điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; phát triển giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 20 tỷ USD vốn FDI giúp chuyển dịch theo hướng xanh hóa, tỷ lệ giải ngân cũng cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn có những tồn tại, hạn chế. Việc tham gia thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng còn chưa đồng đều, toàn diện, việc triển khai ở một số nơi còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai các nhiệm vụ được giao của các Nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP còn chậm. Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP đã được công bố tại Hội nghị COP28 nhưng việc xây dựng, đàm phán và triển khai các dự án cụ thể vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy định ưu tiên cho chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng đã được quan tâm hơn nhưng tiến độ còn chậm. Việc xây dựng mới, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật nhằm đón dòng vốn tín dụng, khuyến khích đầu tư vào các dự án, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng chưa đạt tiến độ đề ra và chưa được thực hiện với tư duy mới.

Trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế; cần đổi mới tư duy, phương pháp luận xây dựng chính sách và đề xuất điều chỉnh khi chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, tạo sự thông thoáng, mở rộng không gian cho phát triển.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc xu thế toàn cầu này, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng sạch vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện cho được các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.

Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, lựa chọn các dự án để ưu tiên triển khai trong khuôn khổ JETP và AZEC trong tháng 10/2024; khẩn trương hoàn thành việc đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam trong thời gian qua, đề xuất nhiệm vụ bổ sung cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024; hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong tháng 12/2024; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng Việt Nam tham gia Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) trước ngày 20/10/2024; hoàn tất các thủ tục nội bộ để Việt Nam trở thành thành viên của Liên minh năng lượng mặt trời (ISA) trong tháng 11/2024.

Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu Đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26, đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản BAU của ngành Năng lượng, 100% Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngành Công Thương tuân thủ quy định về kiểm kê KNK; Hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.

Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình, hạ tầng cơ sở công nghiệp, Thương mại, năng lượng; Lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, chiến lược Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về tăng cường hợp tác quốc về và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và Cơ sở, phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Thanh An

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/cop29--viet-nam-ung-ho-quan-diem-can-dam-bao-muc-tieu-tai-chinh-khi-hau-129832.htm