APIT 2025: Kết nối thế hệ dẫn dắt tương lai công nghệ ở châu Á-Thái Bình Dương
Ngày 18/4, Hội nghị Đổi mới sáng tạo và công nghệ châu Á-Thái Bình Dương (APIT) 2025 diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 200 lãnh đạo cấp cao từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực và đại diện các tổ chức quốc tế.

Đại diện Việt Nam và Trung Quốc tham dự APIT 2025. (Ảnh: Hải Phương)
Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc (VCBC), Tổ chức kết nối doanh nghiệp President Club, Phòng Thương mại công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), Hội đồng Nữ doanh nhân quốc tế (IWEC) và Trung tâm Đổi mới khoa học và công nghệ Lihe Nam Ninh (Trung Quốc) (Leaguer) đồng chủ trì Hội nghị.
Với mục tiêu thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, chính phủ trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, Hội nghị nhằm hỗ trợ các startup, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội kết nối, học hỏi và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ - những người sẽ dẫn dắt tương lai công nghệ của khu vực.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu. (Ảnh: Hải Phương)
Phát biểu khai mạc, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị APIT 2025. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, được tổ chức trong bối cảnh trên thế giới đang có nhiều biến động sâu sắc, khó lường, nhất là trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có những nền kinh tế năng động đang chuyển mình mạnh mẽ.
Đặc biệt, APIT 2025 diễn ra vào thời điểm Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục hội nhập quốc tế và đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Vì vậy, Hội nghị không chỉ là nơi trưng bày, thể hiện những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất mà còn là không gian kết nối đa ngành cho các quốc gia trong khu vực, từ đó, tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi ý tưởng, thúc đẩy hợp tác, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và cùng giải quyết các thách thức chung.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị APIT 2025. (Ảnh: Hải Phương)
Ông Tạ Đình Thi mong muốn, tại diễn đàn, các đại biểu tham gia tích cực và có nhiều đóng góp giá trị, tạo kết quả hợp tác đa sắc lệnh trong thời gian tới.
Những đề xuất và kiến nghị từ Hội nghị đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và rút ngắn thời gian quyết định tại mỗi quốc gia, từ đó tạo ra khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, thuận lợi cho sự hợp tác và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân các tổ chức.

Tổng giám đốc Leaguer Ruan Xiabo cho biết, hợp tác sẽ tạo ra hiệu ứng cộng hưởng. (Ảnh: Hải Phương)
Ông Ruan Xiabo, Tổng Giám đốc Leaguer, nhận định rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể tạo ra hiệu ứng cộng hưởng "Một cộng một lớn hơn hai", trong đó những sáng kiến thành công tại Trung Quốc sẽ được áp dụng để nâng cao năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Ông khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng đối với Trung Quốc, với thị trường đầy tiềm năng và nhiều điểm chung mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm.
Là công xưởng thế giới, Trung Quốc mong muốn hợp tác, chia sẻ và cộng hưởng thành tựu với Việt Nam, tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ mang lại thành công lớn trong tương lai. Mối quan hệ không chỉ giới hạn ở chuyển giao công nghệ, mà còn mở rộng ra nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Đại sứ Phạm Quang Vinh trình bày tham luận Tác động của công nghệ đối với nền kinh tế toàn cầu. (Ảnh: Hải Phương)
Trình bày tham luận tại sự kiện về “Tác động của công nghệ đối với nền kinh tế toàn cầu”, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, công nghệ đang có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, xuyên quốc gia và cả ở mức độ cá nhân.
Trong một thế giới thay đổi liên tục, sự phát triển và giao lưu giữa các quốc gia tạo ra không chỉ những cơ hội mới mà còn cả những thách thức lớn đối với mọi người. Đại sứ nêu ví dụ về cơ hội tăng tốc độ sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như những thách thức về nhân công và thị trường.
Trong bối cảnh đó, mỗi cá nhân cần phải thay đổi, thích nghi và chủ động hợp tác để tận dụng những cơ hội mới, từ đó phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay.

Lễ ký kết hợp tác giữa hai đại diện Việt Nam và Trung Quốc. (Ảnh: Hải Phương)
Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra các hoạt động khác như lễ ký kết hợp tác giữa đại diện Việt Nam-Trung Quốc, tọa đàm thảo luận, chương trình giao lưu văn hóa, tiệc tối, giao lưu doanh nghiệp...