APPF-29 tiến hành phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại
Tiếp tục chương trình nghị sự Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (APPF-29) do Quốc hội Hàn Quốc chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến, chiều 14.12, các Nghị viện thành viên APPF tiến hành phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu ghi hình tại phiên họp này với chủ đề 'Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực'.
Trong phát biểu ghi hình tại phiên toàn thể thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tình hình hợp tác kinh tế và thương mại khu vực trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu cao vai trò của nghị viện nhằm thúc đẩy những nỗ lực hợp tác của APEC, triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và cho rằng, các nghị viện cần ủng hộ những nỗ lực chuyển đổi kinh tế số, tăng cường kết nối, xây dựng một khu vực gắn kết toàn diện, đặc biệt chú trọng các nỗ lực hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Nghị viện cần chủ động phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật cho phát triển kinh tế số, nâng cao hiệu quả quản lý các nền tảng thương mại điện tử, bảo vệ quyền cá nhân và an toàn an ninh mạng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế số, thu hẹp khoảng cách và chênh lệnh phát triển giữa các quốc gia...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một số nội dung nhằm tăng cường hợp tác kinh tế khu vực với tinh thần hiện thực hóa nội dung hợp tác kinh tế trong Tầm nhìn về mối quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030.
Thảo luận tại phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế và thương mại, các đại biểu ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm ở châu Á - Thái Bình Dương như một trong những chiến lược quan trọng để khu vực thoát khỏi khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Các đại biểu cho rằng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số sẽ giúp nâng cao sức chống chịu của khu vực trước các cú sốc từ bên ngoài trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra còn nhiều thách thức trong việc thúc đẩy kết nối kỹ thuật số, bao gồm cách điều chỉnh các quy tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật số giữa các hệ thống kỹ thuật số khác nhau; cách hỗ trợ, thúc đẩy các luồng dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ dữ liệu cá nhân... Các nghị viện thành viên APPF khẳng định quyết tâm tối đa hóa vai trò của cơ quan lập pháp trong hoàn thiện các khuôn khổ, thể chế quốc gia để hỗ trợ phát triển kinh tế số với trọng tâm là Chính phủ điện tử, quản trị các nền tảng thương mại điện tử, thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử; bảo mật dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và an toàn trên không gian mạng.
Các đại biểu cũng kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nghị viện thành viên APPF và giữa các nghị viện thành viên APPF với các liên quan, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài sản kỹ thuật số, các hành động pháp lý để cải thiện cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế số, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các tỉnh, thành phố và vùng; phát triển các chương trình hoạt động chung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhân lực nhằm bắt kịp xu thế số hóa.
Theo chương trình Hội nghị APPF-29, ngày mai, 15.12, sẽ diễn ra phiên toàn thể thứ ba về hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phiên toàn thể cuối cùng nhằm thông qua các Nghị quyết, Thông cáo chung và lễ bế mạc.