Apple bắt đầu nhận thấy ảnh hưởng của bão giá
Sức mua giảm trong khi chi phí sản xuất, tiền trả lương nhân viên tăng đã khiến Apple gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết.
Là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng Apple cũng không phải là ngoại lệ giữa tình hình lạm phát trong thời gian qua.
Trong tháng 5, tỷ lệ lạm phát Mỹ cán mốc 8,6%, mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua. Thị trường tại nhiều quốc gia khác của Táo khuyết cũng phải đối diện với “bão giá” tương tự hoặc thậm chí là tệ hơn.
Chi phí tăng nhưng lợi nhuận giảm
Theo CNBC, hãng công nghệ phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng do những khó khăn về mặt hậu cần, nhu cầu tăng lương cho nhân viên. Mặt khác, người dùng không còn nhu cầu mua iPhone mới nhiều vì thắt chặt chi tiêu.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội ở Trung Quốc cũng khiến gã khổng lồ công nghệ gặp nhiều khó khăn, thiệt hại 8 tỷ USD.
“Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát. Điều này thể hiện rõ trong tổng kết biên lợi nhuận gộp và chi phí vận hành của quý I”, CEO Tim Cook nói với các nhà đầu tư tại cuộc họp về tình hình kinh doanh quý I/2022 hồi tháng 4.
Theo dữ liệu từ FactSet, chênh lệch giữa doanh thu và chi phí bán hàng trong quý I/2022 là 43,7%, cao hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia. Sang đến quý II, con số này có thể giảm xuống còn 42-43%. Nhưng CNBC nhận định biên lợi nhuận gộp của tập đoàn đã tăng mạnh kể từ khi đại dịch, thậm chí là sẽ tiếp tục tăng đến mức kỷ lục.
Chi phí hoạt động trong quý I là 12,58 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Apple dự đoán quý II sẽ còn tăng lên 12,8 tỷ USD.
Theo CNBC, cước phí vận chuyển là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này. “Phí tổn trong quá trình vận chuyển là một thách thức lớn”, Tim Cook nhận định.
Ngoài ra, lệnh phong tỏa ở Trung Quốc suốt nửa đầu năm 2022 đã gây nên tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn cho các dòng sản phẩm flagship của Apple. Nhưng theo CEO Apple, gần đây, chi phí cho loại linh kiện này đã giảm xuống.
Một yếu tố khác khiến hãng công nghệ chật vật trong thời buổi bão giá chính là chi phí nhân sự. Hãng đã phải tăng lương cho nhân viên văn phòng và nhân viên bán hàng để cạnh tranh trong cuộc đua thu hút nhân tài với Google, Amazon và Microsoft.
Tuy nhiên, theo CNBC, chi phí gia tăng chưa phải là điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến với Apple. Trong viễn cảnh tăm tối nhất, tình hình lạm phát và các điều kiện kinh tế vi mô sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu mua các dòng sản phẩm của hãng.
Người dùng không còn mặn mà với iPhone mới
Suốt nhiều năm qua, các nhà đầu tư Apple luôn tự tin rằng nhóm khách hàng của hãng sẽ luôn trung thành và có thói quen đổi điện thoại mới đều đặn. Nhưng tình trạng suy thoái do lạm phát khiến nhận định không còn chính xác.
Theo CNBC, khi đối mặt với suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thường có xu hướng giảm chi tiêu mua các mặt hàng xa xỉ như thiết bị điện tử. Do đó, với trường hợp của Apple, người dùng các đời iPhone cũ có thể sẽ không chi tiền mua flagship mới nhất sắp sửa ra mắt của hãng. Thay vào đó, họ sẽ đợi đến khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn.
“Táo khuyết sở hữu một hệ sinh thái mạnh mẽ, lượng khách hàng trung thành khổng lồ. Nhưng phần lớn doanh thu của họ đến từ sản phẩm bán ra thị trường. Vì thế, một khi kinh tế suy thoái, sức mua giảm, doanh thu của hãng công nghệ sẽ bị chững lại”, nhà phân tích Toni Sacconaghi của Bernstein chia sẻ.
Tuy vậy, Apple cho biết họ vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu xấu nào đến từ thị trường. Hồi tháng 4, hãng công nghệ khẳng định nhu cầu mua hàng vẫn tăng cao và sức mua của người dùng chưa có xu hướng suy giảm. Thay vào đó, vấn đề mà hãng đang phải đối mặt là chuỗi cung ứng khó lòng đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm của họ.
Theo CNBC, thị trường smartphone và laptop đang có xu hướng chững lại. Mảng điện thoại cao cấp có phần bình ổn hơn nhưng số lượng bán ra vẫn bị sụt giảm nhẹ.
Mới đây, Micron Technology, nhà cung cấp bộ nhớ cho Apple, cảnh báo rằng doanh số smartphone và máy tính sẽ thấp hơn nhiều so với ước tính vì sức mua của người dùng giảm. Đồng thời, số lượng đơn hàng của dòng thiết bị cao cấp cũng giảm đến 8% trong quý I/2022, Counterpoint Research cho biết.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều công ty quyết định tăng giá sản phẩm. Về phần mình, Apple hiện vẫn chưa tăng giá iPhone ở thị trường Mỹ nhưng đã điều chỉnh giá tại một số quốc gia do thay đổi tỷ giá ngoại tệ. Theo CNBC, vài năm trước, Táo khuyết cũng từng thay đổi giá sản phẩm để “dọn đường” cho iPhone sắp ra mắt vào tháng 9.
CNBC cho rằng Apple có thể chịu phần phí gia tăng để giữ mức giá bình ổn, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/apple-gap-kho-giua-thoi-bao-gia-post1331844.html