Apple có thể phải trả 1.5 tỷ bảng vì phí hoa hồng trên App Store
Apple đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể tại London với giá trị yêu cầu bồi thường lên đến 1.5 tỷ bảng Anh (tương đương 1.83 tỷ USD). Đây là một trong những vụ kiện lớn nhất liên quan đến phí hoa hồng mà Apple áp dụng trên App Store, gây ra tranh cãi suốt nhiều năm qua.
Nguyên đơn của vụ kiện, bà Rachael Kent, một học giả tại London, cáo buộc Apple đã vi phạm luật pháp Anh và Châu Âu khi áp dụng mức phí hoa hồng lên đến 30% trên mỗi giao dịch qua App Store. Bà Kent cho rằng Apple đã lạm dụng vị thế độc quyền, vì App Store là kênh duy nhất để người dùng iOS tải ứng dụng. Điều này khiến hàng triệu người tiêu dùng và nhà phát triển phải chịu thiệt hại tài chính đáng kể.
Vụ kiện tập thể này kéo dài suốt bốn năm qua và hiện đã được đưa ra xét xử. Giá trị bồi thường ước tính tương đương với giá của 1.5 triệu chiếc iPhone 16 Pro Max (mỗi chiếc có giá 1.199 USD).
Apple từ lâu đã bị chỉ trích về mức phí hoa hồng "cao ngất ngưởng" trên App Store, thường được gọi là "Apple Tax". Những người ủng hộ chính sách này lập luận rằng Apple cung cấp một nền tảng an toàn, ổn định cũng như đầu tư lớn vào bảo mật và trải nghiệm người dùng.
Tuy nhiên, phía phản đối lại nhấn mạnh rằng mức phí 30% đang cản trở sự phát triển của các nhà phát triển nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, gây bất lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận thị trường.
Trước sức ép từ dư luận, Liên minh Châu Âu (EU) đã triển khai các biện pháp giới hạn mức phí hoa hồng của Apple. Hiện tại, trong thị trường EU, các nhà phát triển chỉ phải trả 17% phí hoa hồng cho Apple. Sau một năm hoạt động, tỷ lệ này giảm xuống 10%, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhà phát triển.
Đây được coi là một bước tiến lớn, buộc Apple phải cân nhắc điều chỉnh chính sách của mình để phù hợp hơn với luật pháp và nhu cầu thị trường.
Vụ kiện tập thể tại London có thể đặt ra một tiền lệ mới trong việc xử lý các tranh chấp liên quan đến nền tảng công nghệ độc quyền. Nếu Apple thua kiện, họ có thể phải đối mặt với tổn thất tài chính khổng lồ và áp lực thay đổi chính sách phí hoa hồng không chỉ ở Anh mà trên toàn cầu.