Apple có thực sự đáng giá 3.000 tỉ USD sau 16 tháng trở thành công ty 2.000 tỉ USD đầu tiên?
Hôm 3.1, giá trị thị trường Apple vượt 3.000 tỉ USD, trở thành công ty đầu tiên đạt cột mốc này.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 tại Mỹ ngày 3.1, cổ phiếu Apple đạt mức cao kỷ lục là 182,88 USD, đưa giá trị thị trường của hãng vượt mốc 3.000 tỉ USD. Qua đó, Apple chính thức là công ty đầu tiên có giá trị vốn hóa thị trường 3.000 tỉ USD.
Vào thời điểm viết bài, giá cổ phiếu Apple ở mức 182,01 USD.
Liệu Apple có thực sự đáng giá 3.000 tỉ USD trong 16 tháng sau khi trở thành công ty 2.000 tỉ USD đầu tiên?
Câu trả lời phụ thuộc vào cách nhìn nhận nhà sản xuất iPhone về khả năng duy trì đà tăng trưởng chưa từng có trong 15 năm qua. Trong năm tài chính gần nhất kết thúc vào ngày 25.9.2021, Apple đã tăng trưởng doanh thu 33% lên 365,8 tỉ USD nhờ người dùng có nhu cầu nâng cấp lên iPhone 5G mạnh mẽ. Song sự bứt phá đó diễn ra sau một năm tăng trưởng doanh số ở mức một con số và năm tài chính 2019 khi doanh số của Apple sụt giảm.
Trường hợp tăng trưởng của Apple nhờ xây dựng hệ sinh thái gồm 1 tỉ chủ sở hữu iPhone chi tiền cho các dịch vụ và có vị trí tốt cho các danh mục trong tương lai như ô tô tự lái, thực tế tăng cường.
Các nhà đầu tư từng cho rằng cổ phiếu Apple phụ thuộc vào doanh số iPhone để tăng trưởng đã thay đổi quan điểm khi công ty Mỹ chứng minh rằng thiết bị này nằm ở trung tâm hệ thống đang mở rộng có thêm các tiện ích mới như Apple Watch, Apple AirTags, các dịch vụ trả phí như truyền hình và các lớp học thể dục.
"Apple đã và vẫn là một câu chuyện tăng trưởng đáng kinh ngạc được duy trì bởi các sản phẩm phải có và danh mục dịch vụ ngày càng tăng. Trong khi nhiều năm trước, giá cổ phiếu là giấc mơ của các nhà đầu tư, tôi không nghĩ mức giá cao kỷ lục hiện tại nên một tín hiệu bán cho các nhà đầu tư tập trung dài hạn”, Trip Miller, nhà sáng lập công ty Gullane Capital Partners, cho biết.
Hal Eddins, trưởng nhóm kinh tế tại Capital Investment Counsel, cổ đông của Apple, cho biết Apple là một "cổ phiếu an toàn" khi vượt qua đại dịch và các nhà đầu tư có thể đang mong đợi doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ vững chắc.
Ông Hal Eddins nói: “Apple dường như đã được tiêm vắc xin chống lại bất cứ thứ gì mà Omicron có thể tấn công nó. Tôi không tự mãn ở cấp độ này, nhưng có lẽ có một số sự kiện tồi tệ không lường trước được để làm rung chuyển con thuyền".
Một số nhà phân tích tin rằng Apple có nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới, với các sản phẩm tương lai như Apple Car.
"Chúng tôi thấy triển vọng của Apple Car - đại diện cho con đường rõ ràng nhất để tăng gấp đôi doanh thu và vốn hóa thị trường của Apple - thúc đẩy sự thay đổi trong câu chuyện nhà đầu tư bị thu hút trở lại bởi nền tảng (1 tỉ khách hàng trung thành) và tăng trưởng bền vững, lâu dài", Katy L. Huberty, nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley, viết trong một ghi chú vào tháng 11.2021.
Một phụ nữ đi ra từ cửa hàng Apple Store ở quận Brooklyn, thành phố New York, Mỹ sau khi mua iPhone 12 - Ảnh: Reuters
Trường hợp khó xảy ra là Apple đang đạt đến giới hạn về mức độ phát triển cơ sở người dùng và số tiền mặt mà họ có thể thu được từ mỗi người, đồng thời không có gì đảm bảo rằng các danh mục sản phẩm trong tương lai sẽ sinh lợi như iPhone.
Trong lưu ý vào tháng 12.2021 cho các nhà đầu tư, nhà phân tích Toni Sacconaghi của AllianceBerntein Holding (công ty quản lý tài sản toàn cầu) cho rằng triển vọng của Apple trong lĩnh vực thực tế ảo và thực tế tăng cường là rất sáng sủa nhưng có khả năng chỉ chiếm 4% doanh thu của hãng vào năm 2030. Hơn nữa, toàn bộ thị trường cho những thiết bị đó không có khả năng đạt gần mốc 1 tỉ đơn vị cho đến năm 2040.
Toni Sacconaghi cũng nhận thấy "không có chất xúc tác rõ ràng nào cho việc mở rộng nhiều lần" trong cổ phiếu của Apple "do tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm hơn" ở năm tài chính tiếp theo.
Một mối quan tâm khác là sự không chắc chắn về khả năng của Apple ở việc chốt lợi nhuận tương tự cho các dịch vụ trả phí trên phần cứng trong tương lai của họ. Mô hình kinh doanh App Store của hãng này, lấy hoa hồng khi có người mua hàng hóa kỹ thuật số trong ứng dụng, đã được nhắm mục tiêu theo luật đề xuất ở Mỹ và châu Âu.
Một trong những động lực chính thúc đẩy việc định giá Apple tăng vọt là mục tiêu mà hãng đặt ra trong năm 2018 để đạt được con số gần 100 tỉ USD tiền mặt ròngthời điểm đó ngoài bảng cân đối kế toán và trở thành trung lập về tiền mặt ròng.
Mục tiêu đó, mà Apple không bao giờ xác định thời hạn, rất khó đạt được.
Apple đã tạo ra 104 tỉ USD tiền mặt từ các hoạt động trong năm tài chính 2021 và trả lại 106,5 tỉ USD cho các cổ đông. Thế nhưng, tiền mặt ròng của Apple vẫn ở mức 66 tỉ USD vào cuối năm tài chính.
Theo Tom Plumb, người sáng lập Wisconsin Capital Management và là cổ đông của Apple, với các thương vụ mua lại lớn phần lớn nằm ngoài câu hỏi của các cơ quan quản lý chống độc quyền hiện tại ở Mỹ, Apple có một vài lựa chọn ngoài việc trả lại tiền cho các cổ đông.
Tom Plumb nói: “Apple đang chống lại sự thật rằng họ có dòng tiền 100 tỉ USD mỗi năm. Bạn không thể đặt cược chống lại một công ty có dòng tiền kiểu này".