Apple đầu tư 500 tỉ USD vào Mỹ để tạo 20.000 việc làm về nghiên cứu, ông Trump cám ơn Tim Cook
Apple hôm 24.2 cho biết sẽ chi 500 tỉ USD cho các khoản đầu tư tại Mỹ trong 4 năm tới, gồm cả nhà máy khổng lồ ở bang Texas dành cho các máy chủ trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời bổ sung khoảng 20.000 việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trên khắp cả nước.
Khoản chi tiêu 500 tỉ USD dự kiến này bao gồm đủ thứ từ mua sắm của các nhà cung cấp Mỹ đến sản xuất các chương trình truyền hình và phim cho dịch vụ Apple TV+.
Apple từ chối tiết lộ bao nhiêu trong số này đã được lên kế hoạch chi tiêu cho các nhà cung cấp Mỹ, trong đó có Corning - công ty chuyên sản xuất kính cho iPhone có trụ sở ở bang Kentucky (Mỹ).
Động thái này diễn ra sau khi có thông tin Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần trước. Nhiều sản phẩm Apple được lắp ráp tại Trung Quốc có thể đối mặt với mức thuế 10% do Tổng thống Trump áp đặt hồi đầu tháng 2, dù công ty đã được miễn trừ một số loại thuế từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Apple từng đưa ra thông báo tương tự về kế hoạch chi tiêu tại Mỹ vào năm 2018, khi cho biết các khoản đầu tư mới và đang triển khai sẽ đóng góp 350 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ trong vòng 5 năm.
Cổ phiếu Apple giảm nhẹ trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa hôm 24.2.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump đã cảm ơn Apple và Tim Cook, cho rằng động thái này phản ánh niềm tin của công ty với chính quyền ông.

Apple sẽ chi 500 tỉ USD cho các khoản đầu tư tại Mỹ trong 4 năm tới, gồm cả nhà máy khổng lồ ở bang Texas dành cho các máy chủ AI, đồng thời bổ sung khoảng 20.000 việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trên khắp cả nước - Ảnh: Reuters
Phần lớn các sản phẩm tiêu dùng của Apple được lắp ráp bên ngoài nước Mỹ, dù nhiều linh kiện vẫn được sản xuất trong nước, gồm cả chip từ Broadcom, SkyWorks Solutions và Qorovo.
Tháng 1, Apple cho biết đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip do chính họ thiết kế tại một nhà máy ở bang Arizona (Mỹ) thuộc sở hữu của TSMC. TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.
Việc đưa TSMC đến bang Arizona và thúc đẩy việc ban hành đạo luật CHIPS nhằm củng cố ngành sản xuất bán dẫn tại Mỹ là hai trong số những chính sách công nghiệp lớn nhất của ông Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Hôm 24.2, Apple cũng thông báo sẽ hợp tác với Foxconn (Đài Loan) để xây dựng một cơ sở rộng 2,3225 hecta ở thành phố Houston (bang Texas, Mỹ), nơi sẽ lắp ráp các máy chủ phục vụ trung tâm dữ liệu để hỗ trợ Apple Intelligence (bộ tính năng AI mới). Hiện tại, các máy chủ này được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, theo Apple.
Foxconn là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và hãng lắp ráp iPhone chính cho Apple.
Apple cho biết sẽ tăng Advanced Manufacturing Fund (Quỹ Sản xuất tiên tiến) từ 5 tỉ USD lên 10 tỉ USD, với một phần mở rộng là “cam kết nhiều tỉ USD từ công ty để sản xuất silicon tiên tiến” tại nhà máy của TSMC ở Arizona.
Advanced Manufacturing Fund là quỹ do Apple thành lập để đầu tư vào sản xuất và công nghệ tiên tiến tại Mỹ. Quỹ này nhằm thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ các nhà cung cấp nội địa, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng sản xuất trong nước.
Apple đã ra mắt quỹ này vào năm 2017 với 1 tỉ USD, sau đó mở rộng lên 5 tỉ USD và hiện tại dự kiến tăng lên 10 tỉ USD. Công ty đã sử dụng quỹ này để hỗ trợ các đối tác như Corning và Finisar (công ty sản xuất laser cho Face ID). Gần đây, Apple cũng cam kết đầu tư một phần quỹ vào việc sản xuất silicon tiên tiến tại nhà máy TSMC ở Arizona.
Apple không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận với TSMC, nhưng trong quá khứ từng sử dụng quỹ này để hỗ trợ các đối tác xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho hãng.
Không những thế, Apple sẽ mở một học viện sản xuất tại bang Michigan (Mỹ), nơi các kỹ sư của hãng cùng giảng viên từ các trường đại học địa phương, sẽ cung cấp khóa học miễn phí cho những doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa trong lĩnh vực như quản lý dự án và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Bên ngoài Mỹ, Apple tiếp tục đầu tư mạnh vào Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
Đầu tháng 1, Apple đã thành lập một liên doanh xử lý dữ liệu mới tại thành phố Thượng Hải khi nỗ lực đưa dịch vụ AI vào iPhone tại Trung Quốc đại lục của gã khổng lồ công nghệ Mỹ vẫn còn trong tình trạng lấp lửng.
Được thành lập hôm 10.1 với số vốn đăng ký là 35 triệu USD, Apple Technology Development (Thượng Hải) sẽ tập trung vào phát triển phần mềm, dịch vụ dữ liệu lớn, dịch vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu, theo nền tảng đăng ký doanh nghiệp Tianyancha (Trung Quốc).
Tejas Kirit Gala, người đứng đầu nhiều đơn vị của Apple tại quốc gia này, đóng vai trò là đại diện pháp lý của công ty mới, do Apple South Asia sở hữu hoàn toàn, theo Tianyancha.
Hồi tháng 10.2024, Apple đã mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ ở phía nam Trung Quốc, khi gã khổng lồ Mỹ củng cố cam kết của mình với thị trường nước ngoài quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các công ty trong nước này.
Trung tâm nghiên cứu này của Apple bắt đầu hoạt động hôm 10.10.2024 tại Công viên Thâm Quyến ở Hetao. Hetao là khu hợp tác được phát triển theo chỉ thị của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ đối tác công nghệ giữa Thâm Quyến với Hồng Kông ở lân cận, theo Nhân dân Nhật báo.
Vào tháng 3.2024, Apple đã công bố kế hoạch xây dựng một phòng thí nghiệm mới ở Thâm Quyến, sẽ thúc đẩy khả năng thử nghiệm và nghiên cứu cho các sản phẩm chính của mình, gồm iPhone, iPad và kính thực tế hỗn hợp Vision Pro, đồng thời giúp tăng cường sự hợp tác giữa công ty với các nhà cung cấp địa phương.
Cơ sở mới này có diện tích 2 hecta trong giai đoạn đầu, trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển của Apple tại Khu vực Vịnh Lớn.
Khu vực Vịnh Lớn là trung tâm kinh tế và kinh doanh gồm Hồng Kông, Ma Cao và 9 thành phố ở tỉnh Quảng Đông (Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quan, Trung Sơn, Giang Môn và Triệu Khánh).
Cơ sở này của Apple sẽ tuyển dụng hơn 1.000 nhân tài trong và ngoài nước, trở thành phòng thí nghiệm rộng nhất của Apple bên ngoài Mỹ.
Công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ đang thúc đẩy đầu tư nghiên cứu tại Trung Quốc bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của mình ra bên ngoài quốc gia này. Khu vực Đại Trung hoa (Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan) là thị trường lớn nhất của Apple sau châu Mỹ và châu Âu.
Vào tháng 3.2024, Apple thông báo đã thành lập các trung tâm nghiên cứu tại thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải, Tô Châu và Thâm Quyến. Công ty Mỹ cho biết thêm rằng quy mô nhóm nghiên cứu và phát triển của họ tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Apple đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường smartphone Trung Quốc, nơi Huawei (có trụ sở tại Thâm Quyến) chứng kiến sự hồi sinh hoạt động kinh doanh điện thoại di động.
Doanh số iPhone tại Trung Quốc trong quý 4/2024 giảm xuống còn 18,51 tỉ USD, so với mức 20,82 tỉ USD cùng kỳ một năm trước, và thấp hơn mức 21,33 tỉ USD mà cuộc khảo sát của Visible Alpha trên 5 nhà phân tích dự đoán.