Kinh tế Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào người giàu?
Trong khi nhiều người Mỹ đang 'thắt lưng buộc bụng', giới giàu có lại chi tiêu mạnh tay. Ước tính nhóm thu nhập cao đang đóng góp gần 1/3 GDP cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

10% người kiếm được nhiều tiền nhất đang chiếm một nửa tổng chi tiêu tại Mỹ. Ảnh: WSJ.
Hiện nay, phần lớn người dân Mỹ đang chật vật với lạm phát và chi tiêu dè sẻn, trong khi đó giới nhà giàu vẫn tiếp tục mua sắm, đầu tư và tận hưởng cuộc sống xa hoa.
Dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ ngày càng phụ thuộc vào sức mua của tầng lớp thượng lưu, khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Nếu xu hướng này tiếp tục, nền kinh tế có thể đối mặt với nhiều rủi ro khi sự thịnh vượng chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ.
Giới thượng lưu chi mạnh, kinh tế Mỹ hưởng lợi?
Moody's Analytics ước tính nhóm 10% người có thu nhập cao nhất - những hộ gia đình kiếm được khoảng 250.000 USD mỗi năm trở lên - hiện chiếm gần 50% tổng mức chi tiêu của nền kinh tế Mỹ, cao nhất kể từ năm 1989, theo Wall Street Journal.
Để so sánh thì 3 thập kỷ trước, tỷ trọng của nhóm này trong tổng chi tiêu là khoảng 36%.

Chi tiêu của người dùng Mỹ chia theo các nhóm thu nhập. Biểu đồ: WSJ.
Điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế Mỹ ngày càng phụ thuộc vào chi tiêu của giới nhà giàu. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, ước tính rằng chỉ riêng nhóm 10% giàu nhất đã đóng góp gần 1/3 GDP.
Từ tháng 9/2023 đến tháng 9/2024, nhóm thu nhập cao đã tăng 12% tổng chi tiêu, trong khi các hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động và trung lưu "thắt lưng buộc bụng".
"Chưa bao giờ tình hình tài chính của giới nhà giàu lại tốt như hiện nay, chưa bao giờ họ chi tiêu mạnh như bây giờ, và chưa bao giờ nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào họ nhiều đến thế", Zandi nhận định.
Tổng thể, giới giàu có đang chi tiêu vượt xa tốc độ lạm phát, trong khi phần còn lại của nền kinh tế thì không. Nhóm 80% thu nhập thấp hơn chỉ chi tiêu nhiều hơn 25% so với 4 năm trước, trong khi giá cả đã tăng 21% trong cùng kỳ. Ngược lại, nhóm 10% giàu nhất đã tăng chi tiêu đến 58%.
Một đợt sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán hoặc bất động sản có thể làm lung lay niềm tin của nhóm này, kéo theo những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Thực tế, tâm lý tiêu dùng của người Mỹ, bao gồm cả nhóm giàu có, đang có dấu hiệu suy giảm, một phần do lo ngại về các mức thuế quan mới.
Tiêu dùng xa xỉ bùng nổ
Nhóm 10% người có thu nhập cao nhất hiện chi tiêu mạnh tay cho mọi thứ, từ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng đến hàng hiệu, nhờ vào lợi nhuận khổng lồ từ các khoản đầu tư.
Tom Shoaf, một phi công 61 tuổi sống tại New Mexico, cho biết tài sản của ông đã tăng 40% kể từ đại dịch nhờ giá trị bất động sản và chứng khoán tăng vọt.
Với tổng thu nhập khoảng 500.000 USD/năm, vợ chồng ông không chỉ thoải mái chi tiêu mà còn bắt đầu tặng tiền hàng năm cho hai con trai trưởng thành, mỗi người 19.000 USD theo giới hạn miễn thuế. "Tôi đã mất nhiều người thân trong đại dịch, điều đó khiến tôi tự hỏi: 'Tại sao chúng ta phải chờ đợi?'", Shoaf chia sẻ.
Vợ chồng ông đã dành hơn 1 triệu USD để mua một căn nhà mới khi nghỉ hưu và trước đại dịch, ông thậm chí đã tậu một chiếc máy bay riêng. "Khi tài sản ngày càng tăng, bạn có thêm sự tự tin để làm những điều mình muốn", ông nói.

Vợ chồng Shoaf đã tự tậu một chiếc máy bay riêng. Ảnh: WSJ.
Không chỉ Shoaf, nhiều người giàu cũng đang tận hưởng cuộc sống xa hoa. Barbara Pierce, một nhà đầu tư sống tại California, cho biết gia đình bà vừa chi khoảng 35.000 USD cho chuyến đi safari 3 tuần tại châu Phi.
"Chúng tôi muốn tận hưởng những trải nghiệm quý giá khi con trai còn sống chung với gia đình. Giờ chính là thời điểm thích hợp", bà nói.
Dữ liệu từ Bank of America cho thấy mức chi tiêu qua thẻ của nhóm khách hàng giàu có đang tăng nhanh hơn so với nhóm thu nhập thấp. Đặc biệt, nhóm 5% người giàu nhất đã chi tiêu nhiều hơn 10% cho hàng xa xỉ ở nước ngoài so với năm trước.
"Họ đến Paris và chất đầy vali bằng túi xách, giày dép, quần áo hàng hiệu", David Tinsley, nhà kinh tế cấp cao của Bank of America, nhận định.
Không chỉ hàng xa xỉ, các hãng hàng không và du lịch cao cấp đang hưởng lợi lớn từ xu hướng này. Ed Bastian, Giám đốc điều hành Delta Air Lines, cho biết doanh số vé hạng thương gia của hãng tăng 8% trong năm qua, trong khi doanh thu từ vé hạng phổ thông chỉ tăng 2%.
Hãng du thuyền Royal Caribbean cũng vừa trải qua giai đoạn bán vé bùng nổ nhất trong lịch sử và công bố kế hoạch mở các chuyến du ngoạn trên sông ở châu Âu - một dịch vụ được tầng lớp giàu có đặc biệt ưa chuộng.
Phân hóa giàu nghèo rõ rệt
Sức mua của giới nhà giàu, theo Zandi, phần lớn đến từ sự gia tăng giá trị của bất động sản và thị trường chứng khoán trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khoảng cách giữa những người sở hữu tài sản và những người không có tài sản ngày càng lớn.
Vivek Trivedi, 38 tuổi, là một ví dụ điển hình. Anh tiết kiệm được một khoản đáng kể trong đại dịch và đã mua 3 bất động sản để đầu tư vào năm 2022 và 2023 tại khu vực Indianapolis, nơi anh sinh sống. Nhờ chốt mức lãi suất thế chấp dưới 3% khi tái cấp vốn trong thời kỳ lãi suất thấp, chi phí nhà ở của gia đình anh vẫn ổn định.
Cả Vivek và vợ anh, Purva Trivedi, đều làm việc trong ngành dược phẩm và có thu nhập hơn 350.000 USD/năm, tăng khoảng 45% so với trước đại dịch. Họ có 2 con nhỏ và đang chu cấp cho bố mẹ Vivek sống cùng gia đình.
"Chúng tôi đã đưa ra những quyết định chiến lược trong sự nghiệp cũng như đầu tư, nhờ đó mà chưa phải cắt giảm chi tiêu", Vivek chia sẻ.
Trong thời kỳ đại dịch, người Mỹ ở mọi tầng lớp đều có xu hướng tiết kiệm ở mức kỷ lục, một phần do bị hạn chế chi tiêu khi ở nhà, một phần vì phải nhờ vào các gói hỗ trợ tài chính của chính phủ. Đến đầu năm 2022, tổng số tiền tiết kiệm dư thừa lên đến 2.600 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi lạm phát bùng phát và giá cả tăng vọt, phần lớn người dân đã phải rút tiền tiết kiệm ra để trang trải chi phí. Riêng nhóm 10% giàu nhất vẫn giữ được phần lớn tài sản của họ.

Sự thay đổi về số tiền tiết kiệm tích lũy được ở nhóm 10% người Mỹ có thu nhập cao nhất và nhóm còn lại theo thời gian. Biểu đồ: WSJ.
Ngoài ra, những người giàu cũng hưởng lợi từ việc giá trị tài sản tăng vọt. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang, từ cuối năm 2019, tổng tài sản ròng của nhóm 20% giàu nhất đã tăng thêm 35.000 tỷ USD, tương đương mức tăng 45%. Dù tỷ lệ tăng trưởng tài sản của nhóm còn lại cũng tương tự, nhưng về giá trị tuyệt đối, họ chỉ tích lũy thêm 14.000 tỷ USD - một con số thấp hơn rất nhiều.
Khoảng cách giàu nghèo cũng có thể thấy rõ khi các doanh nghiệp phục vụ tầng lớp thu nhập thấp đang gặp khó khăn. Chuỗi bán lẻ Big Lots đã nộp đơn phá sản vào cuối năm ngoái, trong khi Kohl’s và Family Dollar phải đóng hàng loạt cửa hàng do doanh số giảm mạnh.
Nhà phân tích Matthew Boss của JPMorgan Chase bình luận: "Các thương hiệu này đang phải tranh giành từng đồng từ khách hàng".
Nguồn Znews: https://znews.vn/kinh-te-my-dang-phu-thuoc-qua-nhieu-vao-nguoi-giau-post1534010.html