Apple dự kiến cắt giảm sản lượng Iphone 13 do thiếu chip điện tử

Apple rất có khả năng sẽ phải cắt giảm tới 10 triệu đơn vị khỏi chỉ tiêu sản xuất dự đoán đối với sản phẩm iPhone 13 của họ do cơn khan hiếm chip điện tử kéo dài ảnh hưởng tới sản phẩm chủ chốt này.

Dòng sản phẩm điện thoại thông minh iPhone 13 được ra mắt tại buổi lễ ở Cupertino, bang California, Mỹ ngày 14/9/2021. Ảnh: Techcrunch/TTXVN

Dòng sản phẩm điện thoại thông minh iPhone 13 được ra mắt tại buổi lễ ở Cupertino, bang California, Mỹ ngày 14/9/2021. Ảnh: Techcrunch/TTXVN

Theo nguồn tin từ người trong cuộc, Apple rất có khả năng sẽ phải cắt giảm tới 10 triệu đơn vị khỏi chỉ tiêu sản xuất dự đoán đối với sản phẩm iPhone 13 của họ do cơn khan hiếm chip điện tử kéo dài ảnh hưởng tới sản phẩm chủ chốt này.

Theo nguồn tin này - một người muốn giấu danh tính do những thông tin này là thông tin nội bộ - Apple đã dự kiến sẽ sản xuất 90 triệu đơn vị phiên bản iPhone mới của họ trong vòng ba tháng cuối năm 2021, nhưng hiện tại họ đang trao đổi với các đối tác sản xuất về khả năng tổng số sản phẩm sẽ thấp hơn dự kiến do Broadcom và Texas Instruments đang rất khó khăn trong những nỗ lực cung cấp đủ số linh kiện.

Gã khổng lồ công nghệ này là khách hàng mua sản phẩm chip điện tử lớn nhất thế giới, và có vai trò đủ lớn để ảnh hưởng tới khả hoạt động thường niên của chuỗi cung ứng các mặt hàng điện tử toàn thế giới.

Nhưng ngay cả khi có được sức mua khổng lồ của họ, Apple vẫn phải vật lộn với chính những gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã làm đau đầu nhiều ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Nhiều nhà sản xuất chip điện tử lớn đã cảnh báo rằng nguồn cung sẽ không thể bắt kịp được nhu cầu trong suốt năm 2022 tới và có thể lâu hơn thế nữa.

Apple mua các bộ phận hiển thị của họ từ Texas Instruments, và Broadcom là đối tác cung cấp các linh kiện không dây lâu năm của họ. Một loại chip của Texas Instruments hiện đang không đủ để cung cấp cho dây chuyền sản xuất iPhone là một bộ phận liên quan tới màn hình OLED. Apple hiện cũng đang gặp phải nhiều cơn khan hiếm bộ phận từ những nhà cung cấp linh kiện khác.

Các đại diện từ phía Apple và Texas Instruments từ chối bình luận. Broadcom không phản hồi những yêu cầu bình luận.

Cổ phiếu của Apple mất giá tới 1.6% xuống mức 139.27 USD trong giao dịch cuối ngày sau khi Bloomberg đưa tin này. Giá cổ phiếu của Apple trong năm nay đã tăng 6.6% tính tới thời điểm đóng cửa phiên giao dịch vào thứ ba ngày 12 tháng 10. Cổ phiếu Broadcom và Texas Instruments cũng mất giá trong các phiên giao dịch ngoài giờ.

Cơn khan hàng này đã bắt đầu ảnh hưởng tới khả năng giao hàng các mẫu sản phẩm mới của họ tới khách hàng. Chiếc iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max được bắt đầu chào bán trong tháng 9 vừa qua, nhưng các đơn hàng sẽ không được bắt đầu thực hiện cho tới khoảng 1 tháng sau đó.

Bên cạnh đó, những sản phẩm mới của họ cũng được liệt kê dưới mục “tạm thời không có hàng” tại nhiều cửa hàng bán lẻ của hãng. Những đối tác viễn thông của Apple cũng đang trải qua nhiều trì hoãn giao hàng tương tự.

Những đơn hàng hiện tại được dự kiến sẽ bắt đầu được giao vào giữa tháng 11, và Apple vẫn có thể kịp đưa chiếc iPhone mới tới tay người dùng kịp thời cho kỳ nghỉ lễ vô cùng quan trọng. Quý cuối năm nay được dự đoán là đợt bán hàng chớp nhoáng thành công nhất của Apple, mang lại khoảng 120 tỷ USD lợi nhuận. Con số này cao hơn 7% so với cùng kỳ năm 2020 - và nhiều hơn thu nhập cả năm của Apple trong một thập kỷ trước.

Những khó khăn mà Apple gặp phải cho thấy rằng đến cả ông hoàng công nghệ này cũng không miễn nhiễm trước cơn khan hàng toàn cầu ngày càng trở nên tồi tệ hơn do cơn đại dịch. Bên cạnh gặp phải những khó khăn về số lượng sản phẩm iPhone, công ty này cũng đang gặp nhiều trở ngại trong quy trình sản xuất Apple Watch Series 7 và nhiều sản phẩm khác.

Vào đầu năm nay, Apple đã cảnh báo rằng họ sẽ gặp phải nhiều bó buộc về nguồn cung đối với các sản phẩm iPhone và iPad trong quý 3 kết thúc vào tháng 9. Công ty tại Cupertino, California này đã nêu lên cơn khan hiếm chip điện tử toàn cầu vào thời điểm đó. Khoảng một tuần rưỡi doanh thu của iPhone 13 nằm trong khung thời gian này.

Bản thân Broadcom không sở hữu những nhà máy lớn mà khả năng sản xuất các sản phẩm của họ phụ thuộc vào những nhà sản xuất chip điện tử như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC). Texas Instruments có khả năng tự sản xuất một số loại chip điện tử, nhưng họ cũng phụ thuộc vào các nhà sản xuất bên ngoài.

Điều này có nghĩa là những công ty này là một phần trong cuộc chiến ngày càng gay go tranh giành khả năng sản xuất của TSMC và những xưởng sản xuất khác. Chính Apple cũng là một khách hàng của TSMC - và trên thực tế, Apple là khách hàng lớn nhất của họ.

Mẫu iPhone 13 của Apple. Ảnh minh họa: TTXVN

Mẫu iPhone 13 của Apple. Ảnh minh họa: TTXVN

Apple đã từng sử dụng nhà sản xuất này trong dây chuyền sản xuất loạt chip xử lý A-series của họ, nhưng tạm thời những sản phẩm này có vẻ chưa bị đe dọa bởi một cơn khan hàng.

Cơn khan hiếm chip điện tử có nhiều tín hiệu về những chuyển biến xấu đi. Thời gian sản xuất - khoảng thời gian giữa thời điểm đơn hàng chất bán dẫn được đặt và thời điểm đơn hàng được giao - đã tăng trong tháng thứ chín liên tiếp lên mức 21,7 tuần trong tháng 9 vừa rồi theo số liệu của công ty tài chính Susquehanna.

Nhằm gỡ rối những vấn đề trong chuỗi cung ứng này, bộ thương mại Hoa Kỳ đang kêu gọi một số nhà sản xuất chip toàn cầu trả lời một bộ các câu hỏi trước ngày 8 tháng 11, nhưng những cố gắng này đang gặp phải phản đối từ những nhà lập pháp và nhà điều hành tại Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Bộ trưởng bộ thương mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo đã đăng trên trang Twitter của mình vào đầu tuần này về một kế hoạch trị giá 52 tỷ USD được đề xuất nhằm hỗ trợ những nhà sản xuất chip điện tử trong nước. Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida Fumio cũng đã cho biết ông sẽ bắt đầu thực hiện thành lập một số cơ sở sản xuất chip điện tử tại quốc gia này.

Trong một diễn biến khác, một cơn khủng hoảng năng lượng dài kỳ tại Trung Quốc có thể làm nghiêm trọng hơn những đau đầu của nhà sản xuất iPhone. Nhà cung cấp của Apple, TPK Holding đã phát biểu trong tuần trước rằng những chi nhánh tại tỉnh Phúc Kiến ở miền đông nam Trung Quốc đang phải thay đổi kế hoạch hoạt động của họ nhằm tuân thủ một số giới hạn về sử dụng điện của chính phủ.

Những thông tin này được đưa ra không tới 2 tuần sau khi nhà lắp ráp iPhone, Pegatron Corp đã phải áp dụng một số biện pháp tiết kiệm điện trong những đợt cắt giảm điện từ chính phủ nước này./.

Quang Minh (Theo Bloomberg)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/apple-du-kien-cat-giam-san-luong-iphone-13-do-thieu-chip-dien-tu/217101.html