Apple khuyến cáo không dùng gạo khắc phục iPhone gặp sự cố vào nước
Apple cho biết khi iPhone gặp sự cố vào nước, không nên vùi thiết bị trong gạo, đồng thời hãng đưa ra những cách khắc phục sự cố cho người dùng.
Apple vừa đưa cảnh báo người dùng, iPhone gặp sự cố vào nước không nên dùng gạo, máy sấy hoặc bông gòn để làm khô thiết bị, tránh tình trạng hư hỏng thêm nghiêm trọng.
Theo nhà sản xuất iPhone, không nên làm khô iPhone bằng nguồn nhiệt bên ngoài hoặc khí nén; không nhét vật lạ như tăm bông hoặc khăn giấy vào cổng cắm; không bỏ iPhone vào túi gạo vì hạt gạo nhỏ có thể làm hỏng iPhone.
Trong hướng dẫn chính thức của Apple vừa đưa ra cảnh báo không nên làm khô điện thoại thông minh khô nhanh hơn mà ngược lại, còn có thể làm chậm quá trình này.
Nếu thiết bị bị nhúng nước, tính năng mới được Apple trang bị trên iPhone sẽ gửi cảnh báo đến người dùng rằng điện thoại bị ướt và nên đợi khô trước khi sạc thiết bị.
Người dùng nên tắt máy, úp điện thoại xuống hoặc dựng đứng để loại bớt chất lỏng dư thừa, sau đó đặt ở nơi khô ráo, có luồng gió nhẹ. Thử cắm sạc bằng cáp Lightning hoặc USB-C sau thời gian ít nhất là 30 phút.
Nếu cảnh báo vẫn tiếp tục xuất hiện trở lại, tốt nhất người dùng nên để iPhone ở nơi khô ráo khoảng 1 ngày để bảo đảm máy được khô hoàn toàn.
Trường hợp iPhone đã khô nhưng vẫn không sạc được, hãy rút cáp rồi kết nối lại. Khi những cách trên vẫn không thành công, nên liên hệ với bộ phận hỗ trợ của Apple để được tư vấn.
Dù iPhone và các smartphone Android được nhà sản xuất công bố đã đạt chuẩn IP68, hỗ trợ khả năng chống nước trong điều kiện nhất định, như hoạt động dưới nước ở độ sâu một mét trong 30 phút, nhưng Apple và các nhà sản xuất Android đều không bảo hành cho smartphone vào nước.
Theo iFixit, giải pháp thực sự để tránh làm thiết bị hư hỏng do nhúng nước không phải là làm khô, mà là đẩy nước ra khỏi các bộ phận bên trong thiết bị.
Các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất là sử dụng cồn isopropyl nồng độ 90% trở lên để làm sạch hoàn toàn thiết bị trước khi làm khô. Phương pháp này giải quyết nguyên nhân gốc rễ của hư hỏng bằng cách loại bỏ tác nhân dẫn điện và ngăn ngừa ăn mòn.
Theo kỹ thuật viên của Viện Di Động (TP HCM), việc đầu tiên cần làm khi smartphone gặp sự cố vào nước là nhanh chóng tắt nguồn. Điều này giúp hạn chế nước ngấm sâu vào thiết bị, ảnh hưởng đến bộ phận quan trọng như mạch điện, main gây đoản mạch. Tiếp theo, người dùng nên tháo những bộ phận có thể tháo khỏi thân máy như sim, nắp lưng, pin.
Làm khô điện thoại bằng các chất làm khô chuyên dụng như silica , thường có trong túi hút ẩm của bánh kẹo. Hoặc có thể để thiết bị trước quạt, nơi khô ráo. Thận trọng khi dùng máy sấy vì có thể làm hạt nước văng sâu hơn vào bên trong, làm chảy giăng cao su, keo dán màn hình...