Vị thế doanh nghiệp Việt trên 'bàn cờ' chuyển đổi xanh toàn cầu
Bức tranh chuyển đổi xanh tại nhiều doanh nghiệp Việt đã phần nào được làm sáng tỏ thông qua câu chuyện anh thợ kiểm kê khí thải tại sự kiện FPT Techday 2024 tổ chức gần đây.
Anh thợ kiểm kê khí thải "bất đắc dĩ"
Bước lên sân khấu đang có sự theo dõi của hàng nghìn người yêu công nghệ, ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc dữ liệu FPT IS, Tập đoàn FPT trong trang phục của một người công nhân, đội mũ bảo hộ trắng, tự nhận mình từng là một anh thợ kiểm kê khí thải "bất đắc dĩ".
"Ban đầu khi đến với công việc kiểm kê khí thải, chúng tôi rất tự tin vì đã nắm rõ các quy trình, phương pháp phân loại phát thải theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng tới khi bắt tay kiểm kê chúng tôi mới vỡ lẽ, hành trình này quả thật gian nan", ông Quang kể lại.
Khó khăn nhất đến từ việc khách hàng yêu cầu FPT cung cấp thông tin phát thải của các sản phẩm, dịch vụ sử dụng từ bên thứ ba, bên cạnh các phát thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh vốn quen thuộc như xăng, điện, gas.
"Tại thời điểm năm 2020, một dòng yêu cầu như vậy từ phía khách hàng đã khiến chúng tôi mất ba tháng để rà soát 1 triệu dòng hóa đơn", ông Quang nhớ lại.
Nhưng đó không phải là con số cuối cùng mà đội ngũ kiểm kê FPT phải tiếp nhận. Tại FPT, một năm trôi qua sẽ có khoảng 10 triệu dòng hóa đơn khai thuế như vậy, từ việc doanh nghiệp phải mua sắm trang thiết bị, máy móc, đến con chuột không dây, bàn phím, USB…
"Một chiếc USB thì phát thải bao nhiêu? Thực sự chúng tôi không biết". Chỉ riêng 10.000 dòng hóa đơn khai thuế đầu tiên, Giám đốc dữ liệu FPT IS đã mất khoảng một tuần để kiểm kê, báo cáo phát thải.
Như vậy, với một triệu dòng, hay 10 triệu dòng sẽ cần 100, thậm chí 1.000 người để làm công việc này. Nhưng rủi ro cao nhất là độ chính xác rất không ổn định do quá trình thực hiện thủ công.
"Chúng tôi chẳng khác nào những người thợ thủ công. Cứ theo cách này, mỗi năm FPT sẽ cần tới có một nhóm hùng hậu chỉ đi đếm như vậy và không thể nào hoàn thành các công việc khác được", ông Quang khẳng định.
Từ đây, đội ngũ FPT đã tạo ra một API có nhiệm vụ trả lời câu hỏi: một sản phẩm bất kì sẽ phát thải như thế nào? Chỉ cần nạp vào dữ liệu, API sẽ trả ra kết quả, một chiếc USB phát thải khoảng 2,6 kg CO2 trong quá trình sản xuất và vận tải.
Nhờ đó, thay vì bỏ ra một tuần xử lý 10.000 dòng hóa đơn, ông Quang chỉ mất chừng 5 giây. Tương tự, với 10 triệu dòng hóa đơn của cả một tập đoàn, việc kiểm kê, báo cáo phát thải chưa cần tới 2 phút.
"Tất nhiên, giải pháp không thể giải quyết được mọi thứ. Nó chỉ giải quyết được 95-96% và vẫn cần tới con người tham gia trong đấy", Giám đốc dữ liệu FPT IS nhấn mạnh.
Trong đó, tinh thần của FPT là mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp, cùng con người, để xanh hóa nền kinh tế. Bắt đầu từ tháng 12/2024, API nói trên sẽ được chia sẻ rộng rãi tới các doanh nghiệp, để tự các doanh nghiệp có thể hình dung và tính toán được những phát thải trong quá trình vận hành.
Ông Trần Đức Trí Quang gọi đây là bước đầu của tiến trình chuyển đổi xanh.
VertZéro sẽ giống như tấm vé thông hành, giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật về phát triển bền vững
Ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc dữ liệu FPT IS, Tập đoàn FPT
Sức ép trên bàn cờ mới
Sở dĩ ông Quang nhắc tới tiến trình chuyển đổi xanh, vì đây đang được xem là một nhiệm vụ thiết thực với doanh nghiệp trên toàn cầu.
Theo thống kê, hơn 147 quốc gia, đại diện cho gần 93% GDP toàn cầu đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và lên kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Trên thế giới và cả Việt Nam, chuyển đổi xanh trở thành một chủ đề nóng. Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ và đề ra tầm nhìn đạt phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.
Tại Việt Nam, sau Quyết định số 13 được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành, có hiệu lực vào tháng 10, yêu cầu 2.166 cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
"Đây vừa là mệnh lệnh của quốc gia, vừa là kim chỉ nam, động lực truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trong nước bước vào cuộc chơi toàn cầu hóa", ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi xanh FPT Digital, Tập đoàn FPT nhận định.
Ông Tuấn Anh ví hành trình xanh hóa giống như một "bàn cờ mới", một cuộc chơi không dành riêng cho các quốc gia đã phát triển, mà giờ đã có thêm cả Việt Nam.
"Thông thường, các làn sóng chuyển đổi sẽ được dẫn dắt bởi các nước như Mỹ, Châu Âu, hay Trung Quốc. Tuy nhiên, thế giới đã và đang thay đổi. Thế trận chuyển đổi xanh cũng thay đổi. Chúng tôi tin rằng, đây là cơ hội duy nhất và là thời điểm thích hợp để Việt Nam thay đổi vị thế trên 'bàn cờ mới' chuyển đổi xanh toàn cầu", lãnh đạo FPT Digital khẳng định.
Vị chuyên gia tin tưởng, có hai điều mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm được trên "bàn cờ mới" này, đó là giảm thiểu tối đa tổn thương từ các chính sách về phát thải khí nhà kính, và tận dụng thời cơ để có được vị thế thuận lợi hơn các đối thủ cạnh tranh trong chuỗi cung ứng mới.
Lợi thế của Việt Nam trong cuộc đua chuyển đổi xanh là trữ lượng năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á với công suất 1.000 GW (theo số liệu báo cáo của IRENA), vượt qua cả Indonesia - quốc gia có diện tích gấp sáu lần Việt Nam.
Thêm vào đó, với vị trí địa chính trị quan trọng và vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có quyền tin tưởng rằng với chứng chỉ xanh sẽ ngày càng khẳng định là một điểm đến tốt nhất ASEAN dành cho các nhà đầu tư mỏ neo.
"Chuyển đổi xanh sẽ còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thu hút tài chính xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, gia tăng doanh thu, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận các công nghệ mới nhất trên thế giới, khi vốn dĩ các công nghệ đòi hỏi làm lượng xanh và bền vững rất cao", ông Tuấn Anh tin tưởng.
Chuyển đổi xanh vừa là mệnh lệnh quốc gia, vừa là kim chỉ nam, động lực truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trong nước bước vào cuộc chơi toàn cầu hóa
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi xanh FPT Digital, Tập đoàn FPT
Dẫn lối chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt
Nhìn sang các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mitsubishi đã biết kết hợp chuyển đổi xanh với chuyển đổi số hướng tới mục tiêu giảm lượng phát thải xuống 50% vào năm 2030.
Hãng này đã yêu cầu các kỹ sư giỏi nhất của mình đưa ra các sáng kiến mới để hoàn thành kế hoạch đề ra, vận dụng từ công nghệ tái chế, nghiên cứu nguyên liệu mới, cho tới sử dụng các nguồn năng lượng không phát thải như: hydro, amonia.
Và thứ không thể thiếu trong các sáng kiến này, đó là công nghệ. Với công nghệ, tiến trình xanh hóa đã được Mitsubishi thúc đẩy nhanh và hiệu quả hơn.
Hay một minh chứng khác là khu công nghiệp Kalundborg tại Đan Mạch, đã áp dụng các công nghệ thu hồi phát thải, thu hồi nhiệt để từ đó cung cấp năng lượng cho các hộ dân và nhà máy xung quanh. Kết quả là Kalundborg có chi phí vận hành thấp hơn từ 25-30% so với các khu công nghiệp khác.
Từ 30 năm trước, Việt Nam đã bước vào làn sóng chuyển đổi số, tới nay là chuyển đổi xanh và xa hơn là chuyển đổi thông minh áp dụng trí tuệ nhân tạo vào toàn bộ quá trình sản xuất, cung ứng.
Với làn sóng chuyển đổi xanh, đội ngũ FPT đã chọn từ khóa "đồng hành". Bởi mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi xanh là góp phần làm cho trái đất xanh hơn, đồng nghĩa không một quốc gia, tổ chức, hay doanh nghiệp nào có thể hoạt động riêng lẻ trong tiến trình này.
"Với năng lực về công nghệ, FPT mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, cũng như cùng nhau khai thác những cơ hội mới trong tương lai", đại diện FPT nói.
Đó là lý do gần đây FPT đã thương mại hóa nền tảng kiểm kê khí nhà kính có tên VertZéro thông qua số hóa quy trình thu thập, tính toán, báo cáo và kiểm kê khí thải, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tích hợp với các công cụ báo cáo ESG nhằm minh bạch hóa số liệu và các mục tiêu bền vững.
Hiện nay, VertZéro cung cấp hơn 90.000 hệ số phát thải, phục vụ doanh nghiệp tại 190 quốc gia, hợp tác cùng hơn 30 đối tác trong hệ sinh thái chuyển đổi xanh toàn cầu, từ các sàn giao dịch tín chỉ carbon đến các công ty giải pháp giảm thải.
Giải pháp giúp tối ưu hóa 80% quy trình báo cáo và hơn 120 giải pháp giảm phát thải đạt chuẩn quốc tế như SBTi và MACC, giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, nâng cao vị thế cạnh tranh và mở rộng thị trường.
"Chúng tôi tin rằng, VertZéro sẽ giống như tấm vé thông hành, giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật về phát triển bền vững, vốn dĩ rất khắt khe từ các thị trường phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu", phía FPT thông tin.
Trước hết, đối tượng ứng dụng VertZéro là các doanh nghiệp phục vụ thị trường xuất khẩu. Sau đó là các doanh nghiệp đang nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tất cả các doanh nghiệp tin vào con đường phát triển bền vững.
Hiện tại, FPT đang tích cực thúc đẩy kết nối mạng lưới chuyên gia và đối tác toàn cầu tới từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và công nghệ nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận lộ trình thực hành chuyển đổi xanh theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Tại FPT Techday 2024, FPT và Akila ký kết hợp tác hướng tới phát triển công nghệ trong kiểm kê khí thải carbon, tận dụng nền tảng dữ liệu "digital twin" trong ngành bất động sản để phát triển bền vững và tối ưu hóa hiệu suất sử dụng năng lượng. Akila là nhà cung cấp phần mềm hàng đầu chuyên về các giải pháp số hóa và công nghệ giảm thiểu carbon cho ngành bất động sản tại Singapore.