Apple lại gặp khó ở Trung Quốc

Dù tích cực chạy khuyến mãi, doanh số smartphone của Apple tại Trung Quốc trong quý II vẫn kém các hãng nội địa.

 Người dùng trải nghiệm iPhone 15 trong Apple Store tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Người dùng trải nghiệm iPhone 15 trong Apple Store tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Theo công ty nghiên cứu Counterpoint Research, thị trường smartphone Trung Quốc trong quý II tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn đóng góp đến từ lễ hội mua sắm 618 tổ chức vào tháng 6, khi các hãng điện thoại tung nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng.

Doanh số smartphone tại Trung Quốc mùa 618 năm nay tăng 6,8% so với kỳ trước. Trong khi các hãng nội địa liên tục tăng trưởng, Apple cho thấy tình hình hoạt động khó khăn.

Apple thua kém hãng nội địa

Dựa trên thống kê của Counterpoint Research, Vivo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thị trường smartphone Trung Quốc với thị phần 18,5%, tiếp theo là Apple (thị phần 15,5%) và Huawei (15,4%).

Đối với Vivo, dòng X cao cấp chiếm thị phần lớn hơn năm ngoái. Vào quý II, hãng ra mắt mẫu X100 Ultra tập trung tính năng chụp ảnh.

Trong khi đó, iPhone 15 Pro và 15 Pro Max chiếm khoảng 50% doanh số của Apple tại Trung Quốc trong quý II, cao hơn mức 47% do iPhone 14 Pro và 14 Pro Max đóng góp cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy người dùng Trung Quốc ưa chuộng dòng Pro nhờ khả năng xử lý, camera và màn hình tốt hơn.

Doanh số của Huawei quý II tăng 44,5% sau một năm, nhờ các dòng Pura 70 và Nova 12 được người dùng ưa thích. Dù vậy, thị phần 15,4% vẫn thấp hơn mức đỉnh vào năm 2020 (khoảng 30%).

Hồi tháng 4, Huawei đổi tên dòng P thành Pura, ra mắt thiết bị đầu tiên mang tên Pura 70. Theo Counterpoint Research, model này nổi bật nhờ kết hợp thiết kế đẹp và công nghệ mới, nhấn mạnh khả năng chụp ảnh.

Các thương hiệu Trung Quốc cũng nâng cấp một số model tầm trung trong quý II như Vivo S19, Oppo Reno12 và Honor 200. Những sản phẩm này sở hữu camera chuyên phục vụ selfie, mặt lưng nhiều màu sắc để thu hút người dùng nữ.

 Thị phần các hãng smartphone tại Trung Quốc trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Counterpoint Research.

Thị phần các hãng smartphone tại Trung Quốc trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Counterpoint Research.

Trái ngược dữ liệu của Counterpoint Research, thống kê từ Canalys cho thấy Apple chỉ chiếm thị phần 14%, xếp thứ 6 tại thị trường smartphone Trung Quốc trong quý II.

Quý II, thị trường smartphone Trung Quốc tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số vượt mốc 70 triệu máy. Trong đó, Vivo chiếm 13,1 triệu, thị phần dẫn đầu với 19%.

Những vị trí tiếp theo trong top 5, theo dữ liệu từ Canalys, thuộc về Oppo (doanh số 11,3 triệu, thị phần 16%), Honor (10,7 triệu, thị phần 15%), Huawei (10,6 triệu, thị phần 15%) và Xiaomi (10 triệu, thị phần 14%). Trong khi đó, doanh số Apple là 9,7 triệu.

AI là yếu tố quyết định

Theo giới phân tích, bất chấp nỗ lực giảm giá, Apple đang gặp khó tại Trung Quốc. Sự cạnh tranh ngày càng lớn khi các hãng trong nước tăng trưởng, lợi thế đến từ chuỗi cung ứng nội địa hóa và lòng trung thành của người dùng.

"Đây là quý đầu tiên trong lịch sử các hãng nội địa độc chiếm top 5", Lucas Zhong, nhà phân tích tại Canalys, nhấn mạnh.

Theo Zhong, chiến lược tập trung phân khúc cao cấp của các hãng Trung Quốc, hợp tác chặt chẽ với chuỗi cung ứng địa phương mang đến kết quả tích cực về phần cứng lẫn phần mềm.

Nhà phân tích lấy ví dụ mẫu Magic V3 mới nhất từ Honor, tích hợp loạt tính năng trí tuệ nhân tạo (AI), gồm AI tạo sinh để cải thiện trải nghiệm sử dụng trên thiết bị gập.

 Honor Magic V3. Ảnh: Weibo.

Honor Magic V3. Ảnh: Weibo.

"Các thương hiệu nội địa như Huawei, Honor, Oppo và Vivo đang dẫn đầu bằng cách kết hợp những công nghệ như AI tạo sinh lên sản phẩm và dịch vụ của họ. Ngoài ra, việc bản địa hóa Apple Intelligence tại Trung Quốc đại lục sẽ rất quan trọng trong 12 tháng tới", Zhong nói thêm.

Đồng quan điểm, Counterpoint Research cho rằng các hãng Trung Quốc đang đẩy mạnh quảng bá AI, đặc biệt là AI tạo sinh cho phân khúc smartphone tầm trung và cao cấp.

Một trong những tính năng AI được ưa chuộng là xóa vật thể không mong muốn khỏi ảnh. Theo công ty nghiên cứu này, các hãng Trung Quốc sẽ tiếp tục bổ sung tính năng AI cho người dùng trong nước vào nửa cuối năm.

Ngoài Apple Intelligence, iPhone 16 vào cuối năm cũng được kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu, cải thiện vị thế của Apple tại Trung Quốc.

 Tỷ lệ tăng trưởng thị trường smartphone Trung Quốc, từ quý IV/2021 đến quý II/2024. Ảnh: Canalys.

Tỷ lệ tăng trưởng thị trường smartphone Trung Quốc, từ quý IV/2021 đến quý II/2024. Ảnh: Canalys.

Nhà phân tích Toby Zhu từ Canalys liệt kê 3 xu hướng có thể tác động thị trường smartphone Trung Quốc trong nửa cuối năm, gồm màn ra mắt HarmonyOS Next, hệ điều hành được Huawei kỳ vọng "soán ngôi Android", bên cạnh ứng dụng AI và chiến lược mở rộng ra nước ngoài của các hãng nội địa.

Ngày 23/7, Bloomberg đưa tin Giám đốc Vận hành Jeff Williams của Apple bí mật đến Trung Quốc, gặp gỡ quan chức tại Bắc Kinh và Thâm Quyến để nhấn mạnh cam kết của Táo khuyết với thị trường này.

Trong quý III, các hãng smartphone Trung Quốc có thể tiếp tục ra mắt những model cao cấp, thiết kế dạng thanh và gập để tăng sức cạnh tranh. Trong khi đó, dự án iPhone gập của Apple chỉ dừng ở tin đồn.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinh-canh-kho-khan-cua-apple-tai-trung-quoc-post1488326.html