Apple lao đao khi ông Trump áp thuế đối ứng với Trung Quốc và các trung tâm sản xuất ở châu Á
Các mức thuế mới có khả năng làm giảm biên lợi nhuận của Apple, vì công ty khó có thể tăng giá để bù đắp tác động này, theo các nhà phân tích.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 2.4lao dốc sau khi Tổng thống Trump áp thuế đối ứng lên hàng chục đối tác thương mại.
Apple đang rơi vào tâm điểm của các mức thuế mới do ông Trump áp đặt, dù đã nỗ lực suốt nhiều năm để bảo vệ mình khỏi các cuộc chiến thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Danh sách dài các mức thuế mới do Nhà Trắng công bố ảnh hưởng nặng nề đến Apple, khiến giá cổ phiếu công ty lao dốc sau giờ giao dịch hôm 2.4.
Các mức thuế đối ứng từ ông Trump (thuế đánh vào hàng nhập khẩu để đáp trả các mức thuế hiện có) lên đến 34% với Trung Quốc. Điều này sẽ nâng tổng mức thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 54%, đe dọa gây xáo trộn chuỗi cung ứng của Apple, vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào cường quốc châu Á này.
Tuy nhiên, thuế đối ứng từ Mỹ cũng áp dụng cho các trung tâm sản xuất khác ở châu Á cho Apple, làm suy yếu nỗ lực của công ty trong việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Dù vẫn sản xuất phần lớn thiết bị bán tại Mỹ tại các nhà máy ở Trung Quốc, Apple hiện đã mở rộng sản xuất sang nhiều quốc gia châu Á khác, gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.
Thông báo này đã khiến các nhà đầu tư lo lắng do ngày càng quan ngại rằng thuế quan sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Apple. Cổ phiếu công ty đã giảm tới 7,9% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 2.4. Trước đó, cổ phiếu Apple đã giảm 11% kể từ đầu năm 2025 trong bối cảnh thị trường công nghệ suy thoái chung.
Nhà Trắng cho biết các mức thuế đối ứng mới sẽ có hiệu lực vào ngày 9.4. Đại diện Apple không phản hồi khi được đề nghị bình luận.
Apple có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do cần nhập linh kiện từ nhiều quốc gia và khu vực khác cũng chịu thuế quan của Mỹ.
Các mức thuế mới có khả năng gây áp lực lên biên lợi nhuận của Apple. “Chúng tôi không kỳ vọng công ty sẽ tăng giá để bù đắp tác động”, các nhà phân tích Anurag Rana và Andrew Girard của Bloomberg Intelligence nhận định. Nếu tăng giá, Apple sẽ phải làm vậy trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng đang lung lay.
Bloomberg Intelligence là một bộ phận nghiên cứu và phân tích tài chính thuộc công ty Bloomberg L.P. (Mỹ), chuyên cung cấp các báo cáo và đánh giá chuyên sâu về thị trường, ngành công nghiệp, công ty và các xu hướng kinh tế toàn cầu.
Đặc điểm chính của Bloomberg Intelligence
Phạm vi phân tích rộng: Bloomberg Intelligence cung cấp nghiên cứu về hơn 135 ngành công nghiệp và hơn 2.000 công ty trên toàn cầu, gồm các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, y tế, năng lượng và hàng tiêu dùng.
Dữ liệu tài chính chuyên sâu: Kết hợp dữ liệu tài chính từ Bloomberg Terminal với các mô hình dự báo để cung cấp thông tin chi tiết về doanh thu, lợi nhuận và xu hướng thị trường.
Bloomberg Terminal là hệ thống cung cấp dữ liệu tài chính theo thời gian thực, tin tức và công cụ phân tích dành cho các chuyên gia tài chính.
Hỗ trợ cho nhà đầu tư và doanh nghiệp: Giúp các nhà đầu tư, nhà quản lý quỹ và doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên phân tích chuyên sâu và dữ liệu chính xác.
Cập nhật theo thời gian thực: Báo cáo và phân tích được cập nhật thường xuyên để phản ánh diễn biến thị trường và các sự kiện kinh tế mới nhất.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của Trump, Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) đã thuyết phục ông loại trừ iPhone và một số sản phẩm khác khỏi danh sách chịu thuế. Tim Cook lập luận rằng các mức thuế này sẽ gây thiệt hại cho công ty Mỹ và tạo lợi thế cho Samsung, đối thủ chính của Apple.
Đầu năm nay, Apple tìm cách lấy lại thiện cảm từ ông Trump bằng cam kết đầu tư 500 tỉ USD vào Mỹ trong 4 năm tới, tăng nhẹ so với tốc độ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden nếu không tính đến lạm phát. Trong khuôn khổ kế hoạch này, Apple tuyên bố sẽ sản xuất một số máy chủ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) tại bang Texas, Mỹ. Công ty đã bắt đầu sản xuất một số lượng nhỏ chip tại cơ sở ở bang Arizona, Mỹ.
Hiện tại, Apple hầu như không có hoạt động sản xuất hàng loạt tại Mỹ. Hãng chỉ quảng bá duy nhất Mac Pro, có giá khởi điểm 6.999 USD, là được sản xuất tại bang Texas. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ được bán với số lượng hạn chế, nhưng nhiều linh kiện vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.

Tổng thống Trump gặp Tim Cook tại Nhà Trắng năm 2019 - Ảnh: Reuters
Doanh số iPhone suy giảm ở Trung Quốc
Năm ngoái, doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc (thị trường smartphone lớn nhất thế giới) đã giảm 17% xuống còn 42,9 triệu chiếc trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu địa phương, gồm cả Vivo, Xiaomi và Huawei (chiếm nhiều thị phần từ công ty Mỹ ở phân khúc cao cấp).
Lượng iPhone xuất xưởng tại Trung Quốc đã giảm 25% trong quý 4/2024. Tuy nhiên, sự ra mắt của dòng iPhone 16 đã giúp Apple giành lại vị trí số 1 toàn cầu trong quý này. Sự phổ biến của dòng iPhone 16 đã giúp bù đắp cho sự sụt giảm doanh số ở Trung Quốc.
Cuối tháng 3, Tim Cook có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc trong năm 2025, gặp gỡ một số quan chức chính phủ cấp cao và tham gia các sự kiện quảng bá, khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang chờ phê duyệt Intelligence để bổ sung bộ tính năng AI vào iPhone được bán tại quốc gia châu Á này.
Tim Cook nằm trong số 80 giám đốc điều hành công ty đa quốc gia tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, sự kiện thường niên do chính phủ nước này tổ chức nhằm tạo điều kiện đối thoại với các nhà đầu tư toàn cầu.
Chuyến đi của Tim Cook tới Trung Quốc được nhiều người coi là thước đo về cách Apple đang vượt qua vùng biển đầy sóng gió trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Nhà sản xuất iPhone đang bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng thương mại giữa hai nước, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump áp thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các tuyên bố từ phía Trung Quốc không đề cập đến bất kỳ vấn đề cụ thể nào như thuế quan hoặc Apple Intelligence.
Trước đó, trang SCMP đưa tin Apple hợp tác với Alibaba để sử dụng các mô hình AI Qwen của gã khổng lồ thương mại điện tử này trong Intelligence tại Trung Quốc, nhưng các cơ quan quản lý nước này vẫn chưa cấp phép chính thức. Chưa rõ khi nào Apple có thể đưa các tính năng AI lên iPhone được bán tại Trung Quốc đại lục.
CEO Foxconn: Thuế quan của ông Trump khiến Apple và các gã khổng lồ công nghệ khác đau đầu
Giữa tháng 3, Foxconn (nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới) nhấn mạnh về sự gián đoạn mà chính sách thương mại của Tổng thống Trump gây ra cho các gã khổng lồ công nghệ như Apple và Amazon.
Các thông báo thuế quan của chính phủ Mỹ đã trở thành "cơn đau đầu lớn" cho những hãng công nghệ lớn như Apple và Amazon, Foxconn cho hay. Đây là một thừa nhận hiếm hoi của tập đoàn Đài Loan về sự gián đoạn do chính sách thương mại thất thường của ông Trump gây ra. Foxconn là đối tác sản xuất chính của Apple và nhiều hãng công nghệ lớn.
"Vấn đề thuế quan đang khiến các CEO khách hàng của chúng tôi đau đầu. Xét theo thái độ và cách tiếp cận mà chúng tôi thấy chính phủ Mỹ đang áp dụng với thuế quan, rất khó để dự đoán mọi thứ sẽ phát triển như thế nào trong năm tới. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể tập trung làm tốt những gì mình có thể kiểm soát", ông Young Liu (Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Foxconn) nói với các nhà đầu tư trong buổi báo cáo kết quả tài chính quý 4/2024.
Young Liu cho biết các khách hàng của Foxconn đang lần lượt lên kế hoạch hợp tác với họ để sản xuất tại Mỹ. Ông từ chối cung cấp chi tiết vì những kế hoạch này chưa được hoàn thiện, nhưng khẳng định rằng sẽ có "ngày càng nhiều" hoạt động sản xuất diễn ra tại Mỹ.
Foxconn lắp ráp phần lớn iPhone cho Apple và cũng sản xuất nhiều sản phẩm điện tử khác, gồm cả laptop, máy chủ, robot, thiết bị y tế và ô tô điện.
Bản thân Foxconn cũng bị ảnh hưởng bởi nỗ lực của Mỹ nhằm buộc nhiều hoạt động sản xuất chuyển về trong nước. Phần lớn năng lực sản xuất của Foxcon tập trung tại Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Foxconn đang xây dựng nhà máy mà họ cho biết là cơ sở sản xuất máy chủ Nvidia Blackwell lớn nhất thế giới tại Mexico, nơi ông Trump áp thuế 25% với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Foxconn dự đoán mảng kinh doanh sản phẩm thông tin và truyền thông, chủ yếu là hợp đồng sản xuất cho Apple, sẽ ổn định trong năm nay. "Tuy nhiên, dưới sự bất ổn liên quan đến địa chính trị và thuế quan, sản xuất sẽ đối mặt với thách thức và nhu cầu cũng có thể bị ảnh hưởng", Young Liu nói, đồng thời cho biết công ty sẽ làm việc chặt chẽ với khách hàng để điều chỉnh sự hiện diện toàn cầu của mình.
Trong hơn 10 năm qua, Apple là khách hàng lớn nhất của Foxconn. Bộ phận lắp ráp iPhone đóng vai trò quan trọng, đưa Foxconn trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Khi được hỏi có lo lắng về doanh số iPhone khi thị trường smartphone chững lại, Young Liu nhấn mạnh Foxconn rất tin tưởng vào Apple, sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Young Liu nói rằng Foxconn sẽ phản ứng tích cực với chiến lược “sản xuất tại Mỹ” của chính quyền Trump. Foxconn hiện đã có nhà máy tại bang California, Texas, Ohio và Wisconsin của Mỹ.