Ara Tay Coffee của dân tộc Thái khẳng định thương hiệu
Chỉ trong thời gian ngắn được thành lập, Hợp tác xã Ara Tay Coffee xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La của bà con dân tộc Thái đã khẳng định thương hiệu.
Thành lập Hợp tác xã Ara Tay Coffee
Bước ngoặt đến với chị Cầm Thị Mòn xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La khi tham gia dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản do Bộ Ngoại giao và thương mại Australia tài trợ. Chị Mòn được tham quan học tập ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Suốt 20 năm chỉ hái cà phê xô để bán với giá 25 nghìn đồng/kg nhân xanh, nên khi thấy người khác bán cà phê giá gấp đôi, gấp ba, chị Mòn không thể tin được. Trở về nhà, chị Mòn nung nấu suy nghĩ rằng người ta làm được thì mình cũng làm được nên đã thuyết phục bố mẹ và chồng thay đổi cách làm cà phê chất lượng cao. Rất may mọi người trong gia đình đều ủng hộ.
Cũng trong thời gian này, nhận được sự tài trợ của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, sau một thời gian chuẩn bị tích cực, năm 2019, Hợp tác xã Ara Tay Coffee ra đời với sự tham gia của 14 hộ gia đình trong đó chủ yếu là phụ nữ dân tộc Thái với tổng số vốn góp hơn 500 triệu đồng. Hợp tác xã Ara Tay Coffee do Cầm Thị Mòn làm Giám đốc.
Hợp tác xã lấy tên là Ara Tay Coffee, bởi theo lý giải của chị Mòn, tiếng Thái, "Ara" là Arabica, "Tay" trong tiếng Thái có nghĩa là người Thái. Logo của hợp tác xã cũng được lấy cảm hứng từ hình ảnh con người và họa tiết từ chiếc khăn piêu đặc trưng, của người phụ nữ Thái và có màu đỏ chủ đạo dựa trên hình ảnh những quả cà phê đỏ tươi mỗi vụ mùa thu hoạch. Tên gọi Ara Tay, logo của hợp tác xã mang hàm ý chỉ bàn tay nâng niu, tận tụy của người phụ nữ Thái dành cho cây cà phê.
Khẳng định thương hiệu Ara Tay Coffee
Ngay sau khi thành lập Hợp tác xã Ara Tay Coffee, chị Cầm Thị Mòn và các thành viên được tham dự các buổi tập huấn của Tổ chức Care, được các chuyên gia cà phê từ Buôn Mê Thuột về hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, sơ chế cà phê, từng bước phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững. Hợp tác xã Ara Tay Coffee còn được hỗ trợ xây dựng xưởng sản xuất, máy rửa quả, máy pha cà phê, bao bì và máy đóng gói sản phẩm. Đặc biệt là 2 máy xát vỏ hiện đại dùng công nghệ chế biến ướt, công suất 5 tấn quả/giờ, giúp bảo đảm hương vị cà phê tự nhiên, tiết kiệm nước, vỏ cà phê được ủ thành phân vi sinh, tiết kiệm chi phí và không gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi đi vào hoạt động, Hợp tác xã Ara Tay Coffee đã chính thức sản xuất ra 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao, gồm: Cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh, cà phê bột và hạt Natural, cà phê bột và hạt Honey. Có sản phẩm ưng ý, Hợp tác xã Ara Tay Coffee lại tự tin vào TP. Buôn Ma Thuột tham dự cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2020 do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức với sự tham gia của 56 nhà sản xuất cà phê trên cả nước. Và thật bất ngờ khi hai mẫu sản phẩm dự thi đều đạt chứng nhận cà phê đặc sản. Trong đó mẫu cà phê Arabica được chế biến theo công thức Natural đã đứng thứ 7/23 với số điểm 82,71/100. Mẫu cà phê arabica được chế biến theo công thức Honey đứng thứ 15/23 với số điểm 81.83/100 của Ban giám khảo.
Từ những phụ nữ dân tộc Thái chỉ biết trồng, hái và bán cà phê xô, sau 3 năm bà con đã làm chủ quy trình chăm sóc, thu hái chế biến, đánh giá đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Vinh dự và tự hào, thương hiệu cà phê của Hợp tác xã Ara Tay Coffee vừa được tỉnh Sơn La tôn vinh là một trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Bên cạnh phát triển thương hiệu Ara Tay Coffee, chị Mòn và các thành viên trong Hợp tác xã còn hướng dẫn thuyết phục bà còn trong thôn bản làm quen với cách làm cà phê theo kiểu mới. Những người đứng đầu hợp tác xã không ngừng hỗ trợ và giải thích cho bà con, cầm tay chỉ việc để bà con thay đổi thói quen hái xô cà phê, thu hoạch tất cả quả chín, xanh, non, bị sâu... sang hái chọn quả cà phê chín. Tiếp đó là thay đổi cách vận chuyển, đóng gói, rửa hạt...
Lần đầu tiên, người dân trong bản được làm quen với máy móc, công nghệ và những thuật ngữ "rang đậm, nhạt", "hương vị trái cây, socola". Trước đây ở bản, mọi người chỉ thường làm cà phê, cốt sao cho nhanh chóng, để còn lo toan cho những nương lúa, đi làm thêm việc để kiếm thu nhập. Nhưng thuyết phục dần và minh chứng rõ nét nhất là giá của cà phê thu mua đã tăng lên tới vài lần, là cách chứng minh hiệu quả nhất để bà con nghe theo, tin tưởng và tự tin với con đường tăng thêm giá trị cho hạt cà phê tại địa phương.
Ngoài 14 thành viên chính, Hợp tác xã Ara Tay Coffee còn kết nạp thêm những hộ vệ tinh phơi cà phê và hơn 100 hộ vệ tinh cung cấp quả cà phê tươi. Hiện diện tích cà phê của các thành viên hợp tác xã lên đến hơn 200ha và trên 300ha vệ tinh của các hộ trong xã để có thể lựa chọn được những quả cà phê có chất lượng tốt nhất.
Có thể thấy, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia, Hợp tác xã Ara Tay Coffee đang tích cực hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, sơ chế cà phê, từng bước phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững. Đồng thời, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, hợp tác xã đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để Ara Tay Coffee ngày càng vươn cao, bay xa.