Argentina đánh thuế người giàu để vượt qua đại dịch Covid-19
Ông Gabriel De Raedemaeker đang cân nhắc bán phần nào của trang trại. Vấn đề không phải giá nông sản giảm hay mất mùa, mà do thuế mới của chính phủ Argentina đánh vào người giàu.
“Chính quyền đang đẩy tôi xuống vực”, De Raedemaeker, 54 tuổi, nói với Washington Post. Ông đang phải đối mặt với mức tăng thuế 70%, theo quy định mới, đánh thuế mùa đại dịch đối với người có tài sản trên 3,4 triệu USD.
Để thoát khỏi hố sâu tài khóa, vốn trở nên trầm trọng hơn do đại dịch, Argentina đang hưởng ứng một ý tưởng vốn đang được bàn tới trên khắp thế giới: tăng thêm gánh nặng thuế lên người giàu.
Riêng ở Argentina, thuế người giàu còn động chạm vào mâu thuẫn giai cấp, một khía cạnh nhạy cảm và luôn len lỏi bên dưới bề mặt, ở một đất nước liên tục có vấn đề nghiêm trọng về nợ, theo Washington Post.
Từ khoảng 80 năm trước, bà Eva Perón, vợ của cựu lãnh đạo Argentina Juan Perón, đã có những bài phát biểu náo nhiệt từ ban công của mình, khuấy động mâu thuẫn giai cấp - hình ảnh được dựng lại trong phim nhạc kịch kinh điển Evita.
Từng áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng
Các nước khác từng đánh thuế người giàu trong thời khủng hoảng. Sau Thế chiến I và II, các nước châu Âu và Nhật Bản đánh thuế tạm lên người giàu để có tiền cho việc tái thiết. Gần đây hơn, Ireland và Iceland dùng biện pháp tương tự để củng cố ngân khố sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Lần này, suy thoái do đại dịch gây ra dường như đang làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Tỷ lệ nghèo đói tăng lên trong số người trẻ, người lao động trình độ thấp, lao động nữ, trong khi người giàu hưởng lợi từ thị trường chứng khoán và giá nhà lên cao. Chỉ mất 9 tháng để tài sản của 1.000 cá nhân giàu nhất trên thế giới tăng trở lại, về mức trước đại dịch, theo Oxfam International, tổ chức hoạt động chống đói nghèo.
Trong bối cảnh đó, Argentina áp thuế đặc biệt một lần nhắm vào người giàu vào tháng 12/2020, yêu cầu thu tới 3,5% giá trị tài sản của những người có ít nhất 3,4 triệu USD tài sản.
Cũng trong tháng 12/2020, Bolivia, một quốc gia khác cũng đang gặp khó khăn, áp dụng thuế tài sản đối với những ai có tài sản hơn 4,3 triệu USD.
Morocco trong năm nay dự kiến đánh “thuế đoàn kết” đối với các công ty và người giàu.
Tại Anh, nơi mà thâm hụt ngân sách đã lên kỷ lục, Ủy ban Thuế Tài sản, một tổ chức độc lập, đã khuyến nghị áp thuế một lần đối với những ai có tài sản trên 346.000 USD.
Tại Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau chưa ủng hộ đánh thuế người giàu, nhưng đã chỉ đạo cho bộ trưởng Tài chính “tìm thêm cách để đánh thuế sự bất bình đẳng cực độ”.
Ở Mỹ, tranh luận về thuế tài sản mờ nhạt dần sau mua tranh cử. Nhưng ở cấp bang, như California và Washington, các nhà lập pháp đã đề xuất thuế tỷ phú mà đa phần sẽ áp dụng cho chỉ bốn người giàu nhất hai bang này.
Các biện pháp trên đã được áp dụng ở Nam Mỹ, một trong những vùng bất bình đẳng nhất trên thế giới, giờ đây đang trải qua suy thoái tồi tệ nhất.
Ở Bolivia, đất nước nghèo nhất Nam Mỹ, chính quyền đã áp dụng thuế tài sản vào tháng 12/2020. “Thuế này sẽ ảnh hưởng tới chỉ 152 người”, Tổng thống nước này Luis Arce viết trên Twitter. “Lợi ích sẽ vươn tới hàng nghìn gia đình Bolivia”.
Nhưng những người phản đối ở Bolivia đang cáo buộc phe cánh tả dùng đại dịch làm cớ để thúc đẩy các chính sách theo ý mình.
Thuế tài sản không hề đơn giản
Giới phân tích nói đại dịch nhiều khả năng sẽ tạo đà cho các lời kêu gọi dùng chính sách thuế để giảm cách biệt giàu nghèo. Nhưng thuế tài sản nổi tiếng là khó thực hiện đúng đắn, vì loại thuế này có các tác dụng phụ tiêu cực, có thể phá hỏng chính ý định tốt đẹp ban đầu, theo Washington Post.
Chẳng hạn, ở Pháp, thuế tài sản bị bãi bỏ năm 2018, và bị coi là nguyên nhân làm gia tăng nạn trốn thuế, khiến hàng nghìn công dân giàu nhất rời đi.
“(Thuế này) có thể khiến người giàu chuyển tài sản ra nước ngoài, vốn là điều không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào”, Jean Pisani-Ferry, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Peterson ở Washington, nói với Washington Post.
Một thập kỷ trước, 12 trong số các nước phát triển nhất trên thế giới có thuế tài sản. Nhưng con số đó giờ giảm xuống còn 3, là các nước Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ. Phức tạp hơn cả là khi các nước đánh thuế một lượng phần trăm nhất định trên tài sản, thay vì trên thu nhập.
“Bạn có thể đánh thuế Jeff Bezos 1 tỷ USD, nhưng có phải lúc nào ông ấy cũng có 1 tỷ USD tiền mặt sẵn sàng đâu? Ông ta sẽ phải bán cái gì? Lại quay lại chủ đề tính thanh khoản của tài sản”, Pascal Saint-Amans, giám đốc về chính sách thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nói với Washington Post.
Argentina đang phải dựa vào những người giàu của nước này, sau khi không còn giữ được sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài, và cũng không có nhiều lựa chọn khác để vá lỗ hổng tài chính.
Nước này bị sụp đổ tài chính và vỡ nợ gần như là “thường kỳ” trong các thập niên qua. Từ trước dịch, Argentina đã cần tái cơ cấu 65 tỷ USD nợ tư nhân mà nước này không trả được nữa.
Đại dịch làm tình hình tệ đi. GDP giảm 11,8% năm ngoái. Đồng peso giảm, trong khi người dân tích trữ đồng USD, còn chính phủ thì lại làm giống các lần trước là in tiền. Giờ đây, Argentina đang xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng đổi lại nước này có thể phải cắt giảm nghiêm trọng các khoản chi tiêu công.
Tỷ lệ đói nghèo tăng từ 35,4% trong nửa đầu năm 2019 lên 40,9% trong cùng kỳ năm 2020. Chính phủ đã cố gắng kiểm soát tỷ lệ đói nghèo bằng các chương trình xã hội và trợ cấp tiền trực tiếp vào túi người dân.
Do vậy, chính phủ coi thuế tài sản là biện pháp cần thiết để bù vào các chương trình trợ cấp. Họ dự đoán các khoản đánh thuế một lần sẽ thu về 3,5 tỷ USD từ khoảng 12.000 cá nhân.
Đối với nông dân De Raedemaeker, tiền thuế phải trả tăng lên khoảng 192.000 USD, so với trước đó là 113.000 USD. Như nhiều người ở nông thôn khác, ông “giàu vì đất”, nhưng không có dòng tiền đủ lớn để hấp thụ chi phí thuế tăng vọt như vậy. Ông có thể phải bán máy kéo để chi trả.
“Nỗ lực tạo sự bình đẳng này làm chúng ta nghèo đi”, ông nêu quan điểm cá nhân về thuế tài sản của Argentina. “Thay vì khuyến khích tài năng, làm việc chăm chỉ, học hành, họ chỉ muốn người dân phụ thuộc nhiều hơn vào nhà nước”.