Armenia hướng về Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân của Nga

Việc lựa chọn lò phản ứng thay thế Metsamor sẽ quyết định sự độc lập và đa dạng hóa nguồn năng lượng của Armenia, có thể hướng tới phương Tây hoặc tiếp tục phụ thuộc vào Nga. Điều đó cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến quan hệ ngoại giao và kinh tế của nước này trong tương lai.

Cơ sở hạt nhân Metsamor của Armenia. Ảnh: azatutyun.am

Cơ sở hạt nhân Metsamor của Armenia. Ảnh: azatutyun.am

Armenia đang lên kế hoạch thay thế lò phản ứng hạt nhân Metsamor, một cơ sở từ thời Liên Xô, vào năm 2036 và hiện đang tiến hành đàm phán với các quốc gia khác như Mỹ để thực hiện dự án này.

Tổng thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigoryan đã tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Mỹ về việc sử dụng lò phản ứng mô-đun nhỏ đang ở "giai đoạn thực chất", mở ra tiềm năng hợp tác mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước.

Năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc Armenia tăng cường an ninh năng lượng. Nếu các mối quan hệ đối tác được quản lý tốt, đây có thể là cách giảm sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực năng lượng.

Nhà máy điện hạt nhân Metsamor, với hai lò phản ứng, đã hoạt động từ năm 1976 và đáp ứng phần lớn nhu cầu điện của Armenia, sản xuất từ 30 đến 40% điện năng của nước này, tùy thuộc vào nhu cầu biến động.

Năm 2004, Liên minh châu Âu đã đóng băng viện trợ 100 triệu euro để thay thế lò phản ứng sau khi Armenia không thực hiện đúng thỏa thuận năm 1998 về việc đóng cửa lò phản ứng trong vòng 6 năm. Metsamor nằm trong vùng địa chấn hoạt động mạnh và được xem là "mối nguy hiểm cho toàn bộ khu vực".

Việc đóng cửa dự kiến của Metsamor đã được gia hạn nhiều lần, và gần đây nhất là vào tháng 12/2023, khi công ty con của Rosatom (Nga) đã ký hợp đồng để hiện đại hóa và kéo dài tuổi thọ của Metsamor cho đến năm 2036.

Armenia cũng đang cố gắng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong bối cảnh lo ngại về biến đổi khí hậu. Trong chuyến thăm Armenia vào tháng này, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power đã xác nhận cam kết của Armenia tăng gấp đôi năng lượng tái tạo, nhưng thừa nhận năng lượng hạt nhân vẫn là phần cốt lõi của sáng kiến này.

Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn lò phản ứng thay thế Metsamor sẽ quyết định sự độc lập và đa dạng hóa nguồn năng lượng của Armenia, có thể hướng tới phương Tây hoặc tiếp tục phụ thuộc vào Nga, điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến quan hệ ngoại giao và kinh tế của nước này trong tương lai.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo jamestown.org)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/armenia-huong-ve-my-de-giam-su-phu-thuoc-vao-nang-luong-hat-nhan-cua-nga-20240724112812225.htm