Armenia và Azerbaijan hướng tới một Hiệp ước chấm dứt tình trạng thù địch

Ngày 10/7, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã có cuộc hội đàm trực tiếp tại thủ đô Abu Dhabi, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đánh dấu bước tiến mới và hướng tới một Hiệp ước chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài hàng thập kỷ.

Chương trình nghị sự gồm hai phần với thời gian đối thoại kéo dài 5 giờ đồng hồ: Phần một là phiên họp mở rộng với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng hai nước, sau đó chuyển sang thảo luận kín giữa hai nhà lãnh đạo.

Phát biểu sau cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia Ani Badalyan nhấn mạnh: “Cuộc gặp có thể trở thành nền tảng thực sự cho quá trình đàm phán hòa bình tiếp theo”.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tham dự phiên họp toàn thể theo định dạng mở rộng BRICS+ tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga ngày 24/10/2024. Ảnh: Reuters

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tham dự phiên họp toàn thể theo định dạng mở rộng BRICS+ tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga ngày 24/10/2024. Ảnh: Reuters

Dù hai bên tái khẳng định cam kết tiếp tục duy trì liên lạc và thúc đẩy phân định biên giới, nhưng các rào cản căn bản cho việc ký kết thỏa thuận vẫn chưa được tháo gỡ. Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay liên quan đến Hiến pháp Armenia, trong đó vẫn tồn tại một điều khoản mà Azerbaijan coi là “tuyên bố chủ quyền lãnh thổ”. Cụ thể, hiến pháp hiện hành của Armenia có đoạn đề cập đến “việc thống nhất Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Armenia với Nagorno-Karabakh”. Đây là điều mà Azerbaijan không thể chấp nhận và đã nhiều lần đề cập trong tiến trình đàm phán hòa bình.

Về vấn đề này, Thủ tướng Armenia Pashinyan đã nhiều lần tuyên bố cần phải sửa đổi hiến pháp để phù hợp với thực tiễn địa chính trị mới và nhấn mạnh đây là nhu cầu nội tại của Armenia chứ không phải do yêu cầu của Azerbaijan. Tuy nhiên, việc trưng cầu dân ý để sửa đổi hiến pháp theo kế hoạch sớm nhất phải đến năm 2026 mới có thể tổ chức.

Ngoài ra, một trở ngại khác là vấn đề giao thông khu vực liên quan tới hành lang Zangezur. Đây là tuyến giao thông dài khoảng 43 km mà Azerbaijan muốn xây dựng để nối vùng lãnh thổ chính với khu tự trị Nakhchivan mà không phải qua các trạm kiểm soát của Armenia. Tuyến đường góp phần mở con đường giao thương trực tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Armenia phản đối do các lo ngại đến chủ quyền.

Cuộc gặp được tổ chức trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước với Nga và phương Tây đều đang căng thẳng, buộc Baku và Yerevan phải chủ động tìm kiếm giải pháp tại một địa điểm trung lập. Đây cũng là động thái đánh dấu bước chuyển trong cách tiếp cận hòa bình của các bên, trong đó ưu tiên đối thoại trực tiếp và giảm phụ thuộc vào các đối tác trung gian.

Minh Phượng/VOV1 (biên dịch) Theo: 1tv.ru, Tass

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/armenia-va-azerbaijan-huong-toi-mot-hiep-uoc-cham-dut-tinh-trang-thu-dich-post1214066.vov