Phép thử chiến lược

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) diễn ra trong bối cảnh địa kinh tế – chính trị toàn cầu đầy biến động, với tâm điểm là chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ hai.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58). Ảnh: TTXVN phát

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58). Ảnh: TTXVN phát

Giữa lúc chính sách thuế mới của Washington khiến các đối tác Đông Nam Á lo ngại, AMM-58 trở thành mặt trận chiến lược thể hiện rõ nỗ lực giành ảnh hưởng, tái định vị vai trò và uy tín của Mỹ tại khu vực đang thay đổi nhanh chóng.

Hội nghị diễn ra giữa lúc chính sách thuế quan cao kỷ lục của Washington đang khiến nhiều đối tác ASEAN lo ngại. Trong tuyên bố trước chuyến đi, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ông Rubio sẽ tập trung vào việc "tái khẳng định cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và an toàn", thay vì thảo luận cụ thể về thuế quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách kinh tế ngày càng gắn liền với chiến lược an ninh, giới quan sát cho rằng rất khó tách bạch AMM-58 khỏi những quan ngại xoay quanh chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Chỉ vài ngày trước thềm hội nghị, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế mới áp dụng từ ngày 1/8, với nhiều nước ASEAN đối mặt thuế suất từ 20 - 40%. Phát biểu bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Rubio cho biết “nhiều quốc gia Đông Nam Á sẽ nhận được mức thuế tốt hơn các nước khác”, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa đủ để xoa dịu lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh thiếu cơ chế tham vấn và không có các biện pháp hỗ trợ bù đắp.

Với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như nhiều nước ASEAN, các hàng rào thuế quan đột ngột có thể gây suy giảm đầu tư, mất việc làm và bất ổn xã hội. Đây không chỉ là thách thức kinh tế, mà còn đặt ra những câu hỏi về tính nhất quán và dự đoán được trong chính sách của Mỹ.

Theo giới phân tích, thuế quan tiếp tục là trụ cột trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump. Tiến trình đàm phán với Mỹ vì vậy không dễ dàng, trong khi thời hạn áp thuế đang đến gần và nhiều nước “xếp hàng” tìm kiếm thỏa thuận song phương. Trong hơn ba tháng qua, sự thiếu rõ ràng trong chính sách thuế của Washington đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và quyền lực mềm của Mỹ ở khu vực. Phản ứng với các động thái này, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh ASEAN cần hành động như một khối thống nhất để đối phó với những thách thức bên ngoài – trong đó có chính sách thuế mới của Mỹ. Đây là tín hiệu cho thấy ASEAN đang chuyển từ thế bị động sang chủ động định hình môi trường chiến lược khu vực.

Dù thừa nhận mức thuế đã tăng lên, Ngoại trưởng Rubio khẳng định thuế quan không phải là yếu tố duy nhất định hình quan hệ Mỹ - Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ tại châu Á, giữa lúc Washington đang bị phân tâm bởi xung đột ở Trung Đông và Ukraine. Theo ông, nước Mỹ "không có ý định từ bỏ vai trò của mình tại châu Á" và coi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là "trọng tâm chính sách đối ngoại".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đưa ra hàng loạt quyết định làm giảm sự hiện diện của Mỹ ở khu vực: áp thuế cao, cắt giảm viện trợ, siết quy định thị thực… Những động thái này khiến các nước ASEAN không khỏi đặt dấu hỏi về tính bền vững trong cam kết của Mỹ. Theo chuyên gia Damien Duhamel (Văn phòng Tư vấn chiến lược Eurogroup Consulting), chuyến đi của ông Rubio chỉ mang tính tín hiệu. "Uy tín mới là điều cần phải thực hiện" - chuyên gia này nhấn mạnh. Các chính phủ ASEAN kỳ vọng rõ ràng hơn về nguồn lực, cơ chế hay ngoại lệ mà Mỹ có thể đưa ra, thay vì những phát biểu chung chung. Trong khi đó, chuyên gia Adib Zalkapli - Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn địa chính trị và quan hệ công chúng Viewfinder Global Affairs - cho rằng các cam kết sẽ “gần như vô nghĩa” nếu những mối đe dọa thuế quan vẫn còn treo lơ lửng.

Trong khi Mỹ có xu hướng siết chặt chính sách thương mại, Trung Quốc lại tăng cường mở rộng hợp tác với ASEAN. Bắc Kinh đẩy mạnh các sáng kiến trong lĩnh vực hàng hải, giao thông, kinh tế xanh và trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt tại các thị trường năng động như Đông Nam Á. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, Trung Quốc cam kết tiếp tục đóng góp vào Quỹ Hợp tác kinh tế - kỹ thuật của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực thể chế và hội nhập khu vực.

Quang cảnh Diễn đàn khu vực lần thứ 32. Ảnh: Hằng Linh/TTXVN

Quang cảnh Diễn đàn khu vực lần thứ 32. Ảnh: Hằng Linh/TTXVN

Trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, ASEAN cũng chủ động mở rộng hợp tác với nhiều đối tác khác như Australia, New Zealand, Ấn Độ, Canada… thông qua các hiệp định thương mại tự do và khuôn khổ hợp tác đa phương. Theo chuyên gia Sharon Seah (Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak), các nước ASEAN đang trở nên thực dụng và tự chủ hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, thông qua việc đa phương hóa và cân bằng quan hệ đối ngoại.
Những diễn biến này đang tạo ra một “sân chơi chiến lược mới” ở Đông Nam Á. Hội nghị AMM-58 vì thế là dịp quan trọng để ASEAN đánh giá vai trò thực chất của các đối tác đối thoại - trong đó có Mỹ - trong việc hỗ trợ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), vốn đề cao hợp tác, tuân thủ luật lệ và duy trì trật tự khu vực. Đối với ASEAN, đây là thời điểm chiến lược để khẳng định vai trò trung tâm, giữ vững đồng thuận nội khối và thúc đẩy các sáng kiến khu vực do chính ASEAN dẫn dắt. Nói cách khác, AMM-58 đang trở thành phép thử chiến lược không chỉ với ASEAN mà cả các đối tác.

Washington chắc chắn không muốn đánh mất vai trò đã dày công gây dựng trong nhiều thập niên tại châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để đạt được các lợi ích chiến lược, Mỹ cần xây dựng lại lòng tin với các nước trong khu vực - như một đối tác ổn định, công bằng và nhất quán với nhiều hành động thiết thực cụ thể.

Trà Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phep-thu-chien-luoc-20250711184804761.htm