Armenia và Azerbaijan sắp tiến hành cuộc họp các ủy ban phân định biên giới

Khu vực Nagorno-Karabakh từ lâu đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia, dẫn đến các cuộc xung đột.

Armenia và Azerbaijan đã xảy ra một cuộc chiến kéo dài 6 tuần ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020. (Nguồn: AFP)

Armenia và Azerbaijan đã xảy ra một cuộc chiến kéo dài 6 tuần ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020. (Nguồn: AFP)

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Public TV ngày 8/1, Thư ký Hội đồng An ninh Armenia, ông Armen Grigoryan, cho biết, Yerevan đã hồi đáp các đề xuất của Baku về một hiệp ước hòa bình và có động lực tích cực trong tiến trình này.

Ông Grigoryan nói: “Ngày 4/1, phía Armenia đã phản hồi các đề xuất của Azerbaijan về hiệp ước hòa bình. Động lực là tích cực, nhưng cũng có một số vấn đề nhất định mà chúng tôi hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong tương lai gần… Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian ngắn nhất có thể sẽ hoàn tất hiệp ước hòa bình và ký kết”.

Quan chức này cũng lưu ý một số vấn đề đã được thống nhất bằng miệng nhưng chưa được đưa vào văn bản. Theo ông, có một thỏa thuận tiến hành cuộc họp các ủy ban phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan vào cuối tháng 1 này.

Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng phần lớn dân cư ở đây là người dân tộc Armenia. Khu vực này từ lâu đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia, dẫn đến hai cuộc chiến tranh trước đây.

Vào năm 2020, một cuộc xung đột nghiêm trọng đã nổ ra tại Nagorno-Karabakh. Sau đó Nga làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên.

Theo thỏa thuận, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát tình hình, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn khi hai bên nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/armenia-va-azerbaijan-sap-tien-hanh-cuoc-hop-cac-uy-ban-phan-dinh-bien-gioi-256689.html