Asanzo tuyên bố hoạt động trở lại và mở thêm nhà máy
Asanzo cho biết sẽ thiết lập nhánh thiết kế phần mềm cũng như sản xuất màn hình LCD tivi.
Tại buổi họp báo sáng 17/9 tại Hà Nội, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cho biết sẽ tái khởi động các nhà máy sau hơn nửa tháng ngừng hoạt động.
Asanzo sẽ mở thêm nhà máy thứ 5 có công suất cao gấp khoảng 4 lần nhà máy hiện tại với dung lượng 2 - 2,5 triệu sản phẩm tivi mỗi năm tại khu công nghệ cao Quận 9, TP. HCM, ông Tam nói tại cuộc họp báo có tên "Asanzo được minh oan".
Chia sẻ tại buổi họp báo, người đứng đầu Asanzo cho biết doanh nghiệp đặt mục tiêu 5 năm tới trở thành doanh nghiệp đa ngành, nhất là trong lĩnh vực điện tử.
Ngoài ra, Asanzo sẽ thiết lập một nhánh công ty chuyên thiết kế phần mềm, phục vụ những sản phẩm thông minh hơn cũng như kết hợp với một số công ty nước ngoài để sản xuất màn hình LCD tivi.
Trong thông báo phát đi ngày 30/8, Asanzo tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, còn hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng của người tiêu dùng vẫn được duy trì.
Tuyên bố này xuất phát từ tổn thất 70 tỷ đồng trong 70 ngày do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động cùng với các chi phí hoạt động khác.
Tại buổi họp báo, ông Tam cho biết thành quả gây dựng 20 năm qua gần như về số 0, và số tiền thiệt hại ước tính có thể lên tới hơn 1.000 tỷ đồng và nhiều chi phí khác.
Trước đó, có thông tin cho rằng Asanzo nhập thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc, bóc tem "Made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Sau đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía Asanzo, công ty này cho biết đối với các sản phẩm do công ty thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, sau đó đặt hàng các nhà cung cấp linh kiện theo tiêu chuẩn chất lượng mà Asanzo kiểm soát, rồi lắp ráp thành sản hoàn chỉnh phẩm thì Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam.
Đối với các sản phẩm do Asanzo đặt hàng các doanh nghiệp khác sản xuất và nhập khẩu, Asanzo ghi xuất xứ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo, đại diện Asanzo không cho biết cơ quan nào đứng ra "minh oan" cho Tập đoàn, nhưng trích dẫn hai văn bản của hai cơ quan liên quan đến việc thẩm tra, xác minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Trong đó, ngày 1/8/2019, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo đó, văn bản không đưa ra kết luận cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp.
Tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng kết luận “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.
Công ty này cũng khẳng định không sai phạm về xuất khẩu cũng như lừa dối người tiêu dùng.
Liên quan đến thông tin 14 trong 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Asanzo được Tổng cục Hải quan xác nhận đã “bỏ trốn”, ông Trần Đức Hoàng, luật sư tư vấn pháp lý cho Asanzo cho biết Asanzo không có mối quan hệ sở hữu, điều khiển, ngoại trừ giao dịch hàng hóa trước đây.
Về việc công ty Sa Huỳnh sử dụng tên Asanzo trên các sản phẩm nhập khẩu và đã bị khởi tố về việc buôn lậu, ông Hoàng cho biết: “Tôi đã gọi điện thoại cho bên pháp chế và mua bán kinh doanh, lục ngay hồ sơ đặt hàng, các hợp đồng mua bán xem mình đã từng mua bán, đặt hàng từ Công ty Sa Huỳnh không. Câu trả lời là không”.