ASEAN 2020: Việt Nam biến khủng hoảng thành cơ hội thành công
Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN khẳng định con số hơn 80 văn kiện được thông qua là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công.
Việt Nam đã làm một công việc tuyệt vời. Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã đóng vai trò rất quan trọng vào thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN 37) và các hội nghị cấp cao liên quan.
"Con số hơn 80 văn kiện được thông qua là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công," - đó là lời khẳng định của Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN.
Đại sứ Lim Sungnam nhấn mạnh rằng Việt Nam đã “làm rất tốt công việc của mình” và các hội nghị cấp cao hồi tuần trước đã thành công tốt đẹp trên ba mặt.
Trước hết, ASEAN cùng với các nước đối thoại và cộng đồng khu vực đã có thể khẳng định cam kết hợp tác chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hai là, ASEAN đã vạch ra kế hoạch chi tiết cho sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch với tên gọi là Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và được cộng đồng khu vực rất ủng hộ.
Cuối cùng song không kém phần quan trọng là việc ký kết RCEP - một cột mốc lịch sử khác. RCEP sẽ là một khuôn khổ rất quan trọng để có thể mở rộng hơn nữa thương mại và đầu tư trong khu vực và trên toàn cầu.
Đại sứ Lim cũng cho rằng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN và Đại sứ Trần Đức Bình đều “xứng đáng được ghi công” với sự lãnh đạo rất gắn kết và chủ động thích ứng.
Cụ thể, phái đoàn Việt Nam đã thể hiện khả năng lãnh đạo “kiên nhẫn và bền bỉ” trong việc điều hướng các cuộc đàm phán rất khó khăn, góp phần thông qua 5 tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) – điều chưa từng có trong lịch sử của diễn đàn này.
Theo Đại sứ Lim Sungnam, trong hợp tác với phái đoàn và Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hàn Quốc đã tuân thủ ba nguyên tắc: Thứ nhất, vai trò trung tâm của ASEAN là nguyên tắc quan trọng nhất; Thứ hai, Hàn Quốc và Việt Nam có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Đây là cơ sở cho các quan điểm của Hàn Quốc trong suốt quá trình đàm phán, dẫn đến việc thông qua 5 tuyên bố của EAS; Thứ ba là Hàn Quốc hoàn toàn tôn trọng vai trò của Chủ tịch đối với EAS và tất cả các cuộc đàm phán khác để có thể đóng vai trò hình mẫu trong tương lai, đồng thời đảm bảo thành công cho các Hội nghị cấp cao liên quan.
Đối với Hàn Quốc, các hội nghị cấp cao hồi tuần trước cũng là một dịp quan trọng để truyền đạt cam kết của mình, đó là tiếp tục thúc đẩy hợp tác với ASEAN thông qua “Chính sách hướng Nam mới +” được Tổng thống Moon Jae-in công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, sự ủng hộ của ASEAN đối với hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên rất có ý nghĩa và rất quan trọng.
Về kết quả hợp tác ASEAN-Hàn Quốc trong năm nay, Đại sứ Lim Sungnam nhấn mạnh rằng Seoul đã chứng minh cho ASEAN thấy rằng “bạn bè lúc khó khăn mới thật là bạn.” Hai bên đều đang ở trong thời kỳ rất khó khăn do COVID-19. Song hai bên đã sử dụng khủng hoảng này để cho cả thế giới thấy rằng ASEAN và Hàn Quốc là những người bạn thực sự.
Theo Đại sứ Lim Sungnam, Hàn Quốc đã khởi động một dự án lớn trị giá 5 triệu USD nhằm nâng cao năng lực phát hiện COVID-19 của các quốc gia thành viên ASEAN. Đồng thời, Hàn Quốc đã đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 và là nước đối thoại đầu tiên đóng góp cho quỹ này.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã đóng góp cho hệ thống kho dự trữ vật tư y tế ASEAN và sẽ tiếp tục đóng góp trong thời gian tới.
Hàn Quốc cũng khởi động một số sáng kiến về nguồn nhân lực cùng với ASEAN với nguồn vốn tài trợ từ Quỹ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc.
Trong đó, Hàn Quốc đã khởi động chương trình cung cấp học bổng tiến sỹ cho sinh viên ASEAN, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề có quy mô lớn nhất.
Thông qua các dự án đào tạo nguồn nhân lực này, Hàn Quốc hy vọng có thể phát triển nguồn nhân lực tiềm năng của các nước ASEAN, từ đó có thể đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai như Hàn Quốc từng thành công trong những năm 1960-1970.
Về định hướng hợp tác ASEAN-Hàn Quốc trong thời gian tới, Đại sứ Lim Sungnam cho biết Hàn Quốc sẽ tập trung triển khai “Chính sách hướng Nam mới +.”
Thông qua chính sách này, Hàn Quốc sẽ tiếp tục nâng cấp hợp tác trong 7 lĩnh vực chính với ASEAN, bao gồm y tế, phát triển nguồn nhân lực, thương mại và công nghiệp, giao lưu văn hóa, an ninh phi truyền thống, cơ sở hạ tầng, và cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cho biết trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tham gia mạnh mẽ vào nhiều dự án nhằm tăng cường hợp tác trong 7 lĩnh vực nói trên.
Đề cập đến RCEP, nhà ngoại giao Hàn Quốc cho biết đây hiện là FTA lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng dân số, tổng GDP và tổng giá trị trao đổi thương mại của thế giới. Ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, RCEP sẽ được ghi vào lịch sử quan hệ quốc tế như một dấu hiệu báo trước sự khôi phục của hệ thống thương mại đa phương.”
Theo ông, trong kỷ nguyên COVID-19 và trong những năm sau đại dịch, RCEP sẽ cung cấp một nền tảng giúp khu vực cũng như cộng đồng toàn cầu có thể phục hồi từ các cuộc suy thoái kinh tế.
Đại sứ Lim Sungnam cho biết ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ năm của ASEAN. Đặc biệt, ASEAN là điểm đến số hai cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc. Tất cả các mối quan hệ thương mại và đầu tư này sẽ được củng cố hơn nữa với RCEP.
Cuối cùng, Đại sứ Lim Sungnam nhấn mạnh rằng một trong những mục tiêu chính của “Chính sách hướng Nam mới +” của Hàn Quốc là tạo nền tảng cho thương mại và đầu tư bền vững, cùng có lợi. Điều này ít nhiều phù hợp với Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF).
Thông qua hai khuôn khổ này, ông tin chắc rằng Hàn Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và tạo ra một cộng đồng thịnh vượng lấy người dân làm trung tâm.