ASEAN+3 tăng trưởng ổn định nhờ xuất khẩu, du lịch và nhu cầu nội địa tăng
Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) hôm qua (16/7) cho biết khu vực ASEAN+3 (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN) dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định 4,4% trong năm nay.
Tổ chức quan sát kinh tế vĩ mô này cho rằng động lực tăng trưởng bền vững của khu vực là nhờ tiêu dùng tư nhân ổn định, tăng trưởng xuất khẩu và sự phục hồi bền vững của ngành du lịch toàn cầu.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế cập nhật về ASEAN+3 vừa được công bố, AMRO cho biết sự phục hồi của du lịch đã thúc đẩy đáng kể chi tiêu nội địa và điều này - cùng với triển vọng cải thiện ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm - đã giúp thúc đẩy tâm lý kinh doanh trong những tháng gần đây.
Nhà kinh tế trưởng Khor Hoe Ee của AMRO cho biết “không tính đến bất động sản ra, nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Du lịch đã đạt gần mức trước đại dịch đối với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực và sự phục hồi của ngành bán dẫn toàn cầu đang ngày càng mở rộng, mang lại lợi ích cho nhiều nền kinh tế trong ASEAN+3”.
Đặc biệt, triển vọng nhu cầu toàn cầu sáng sủa hơn được phản ánh qua các điều chỉnh tăng trưởng ở Việt Nam - nơi chứng kiến mức tăng 0,3% lên 6,3%, và Hàn Quốc, với ước tính tăng trưởng tăng từ 2,3% lên 2,5%, AMRO dự báo.
Những khoản tăng này đã giúp bù đắp cho sự sụt giảm của Nhật Bản. So với mức tăng trưởng dự kiến là 1,1% được đưa ra hồi tháng 4, Nhật Bản hiện được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm nay, phù hợp với các dự báo cắt giảm trên diện rộng. Theo lý giải của Tiến sĩ Khor, nước này đã có nửa đầu năm “rất yếu” do tiêu dùng trì trệ.
“Tuy nhiên, chúng tôi thực sự kỳ vọng nền kinh tế này sẽ bắt đầu phục hồi và tăng trưởng”, ông Khor nói thêm, đồng thời cho biết AMRO dự báo Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,4% cho trong năm 2025.
Đối với khu vực, AMRO vẫn duy trì tăng trưởng ổn định cho năm 2025. Theo ước tính, tăng trưởng trên toàn khu vực ASEAN+3 sẽ ở mức 4,3% trong năm 2025, cao hơn một chút so với dự báo 4,2% hồi tháng 4, khi các nền kinh tế khu vực cùng theo xu hướng tăng trưởng. Điều này xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ổn định và việc nới lỏng tiền tệ ở các nền kinh tế lớn được duy trì.
Ngoài ra, “sự phục hồi ở Trung Quốc cũng được dự đoán sẽ bình thường hóa vào năm tới, với sự hỗ trợ của các biện pháp can thiệp chính sách có mục tiêu nhằm đưa lĩnh vực bất động sản vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững hơn… Lượng khách du lịch sẽ quay trở lại mức trước đại dịch đối với hầu hết các nền kinh tế vào năm tới, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ hơn trong xuất khẩu”, báo cáo nêu rõ.
Áp lực lạm phát giảm bớt
Trong khi đó, AMRO cho rằng lạm phát năm nay sẽ giảm xuống còn 2,1%, thấp hơn so với dự báo 2,5% hồi tháng 4, do giá thực phẩm giảm so với dự kiến ở một số nền kinh tế và lạm phát nhập khẩu thấp hơn. Tuy nhiên, dự báo này không bao gồm Lào và Myanmar, nơi lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi sự mất giá tiền tệ liên tục.
Cũng theo AMRO, lạm phát ở khu vực này dự kiến sẽ có xu hướng tăng lên 2,3% vào năm tới, và rủi ro giảm giá vẫn còn, đặc biệt nếu căng thẳng địa chính trị leo thang khiến giá hàng hóa và vận chuyển toàn cầu tăng vọt.
Triển vọng tươi sáng hơn
AMRO cho biết, việc đánh giá bối cảnh rủi ro tổng thể đối với ASEAN+3 đã được cải thiện kể từ tháng 4 – thời điểm triển vọng của khu vực nghiêng về nhược điểm.
Đáng lưu ý, các yếu tố rủi ro - chẳng hạn như cú sốc giá, tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Mỹ và châu Âu - nhìn chung vẫn không thay đổi, nhưng những rủi ro cơ bản đối với tăng trưởng và lạm phát đã giảm đi.
“Tin xấu là triển vọng của khu vực trong năm tới có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi kết quả của cuộc bầu cử Mỹ… Nhưng tin tốt là khu vực này trước đây đã từng vượt qua những cú sốc tương tự. Nền kinh tế của chúng ta cần tiếp tục xây dựng lại không gian chính sách và theo đuổi các chính sách nhằm tăng cường khả năng phục hồi trước các cú sốc”, Tiến sĩ Khor nhận xét.