ASEAN 56 năm tuổi, Việt Nam chủ động và tích cực

Đoàn kết, thống nhất và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN' là những cụm từ được đề cập nhiều nhất trong các cuộc họp của ASEAN gần đây cũng như cuộc họp giữa ASEAN với các đối tác. Trong bối cảnh khu vực đối mặt với hàng loạt thách thức bên trong và bên ngoài, các nước ASEAN đều thừa nhận 'Chỉ có cùng nhau, ASEAN mới trở nên mạnh mẽ hơn.

"Thương hiệu" ASEAN sau hơn 5 thập kỷ

Trải qua 56 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một một cộng đồng vững mạnh với 10 quốc gia thành viên. Văn hóa đối thoại và hợp tác đang trở thành một "phong cách", "thương hiệu" của ASEAN trong khuôn khổ Hiệp hội cũng như với đối tác, tạo nên một cộng đồng phát triển toàn diện, bền vững, trong đó các thành viên ngày càng gắn kết, ứng phó hiệu quả với những khó khăn, thách thức của thời đại.

Những kết quả chính đạt được trong 56 năm qua phải nói đến trước tiên là duy trì an ninh và ổn định trong khu vực. Thứ 2 là mở rộng thành viên với việc thúc đẩy tiến trình kết nạp Timo Lester, về cơ bản giúp toàn bộ khu vực Đông Nam Á trở thành một cộng đồng chung. Thứ 3 là sự kết nối, tăng cường giao lưu nhân dân trong khuôn khổ ASEAN. Trên lĩnh vực kinh tế, ASEAN có FTA với nhiều nước đối tác và đang tiếp tục đàm phán để thúc đẩy các hiệp định kinh tế, đưa ASEAN trở thành điểm sáng kinh tế trên bản đồ toàn cầu và quan trọng hơn là mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và người dân.

Ngoài đại diện 10 nước thành viên trong ASEAN tại Jakarta cũng có 95 đại diện các nước tại ASEAN cho thấy sự lớn mạnh của ASEAN trên khía cạnh ngoại giao toàn cầu. Giữa những biến động địa chính trị, với 5 thập kỷ hòa bình và ổn định trong khu vực, có thể nói ASEAN đang tiếp tục là một tổ chức quan trọng, thu hút sự quan tâm của các đối tác muốn nâng cấp mối quan hệ, trở thành đối tác đối thoại và tham gia vào cơ chế do ASEAN dẫn dắt...

Văn hóa đối thoại và hợp tác đang trở thành "thương hiệu" của ASEAN.

Văn hóa đối thoại và hợp tác đang trở thành "thương hiệu" của ASEAN.

Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh: "ASEAN nằm trong trụ cột quan trọng trong chính sách của Ấn Độ trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một ASEAN vững mạnh và đoàn kết đóng vai trò quan trọng là động lực thúc đẩy sự phát triển trong khu vực. Ấn Độ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Là một đối tác chiến lược toàn diện, Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hơn nữa với ASEAN trên nhiều lĩnh vực..."

Nhân dịp 56 năm thành lập, ASEAN đang ngày càng trở nên đoàn kết mạnh mẽ và tất nhiên tiếng nói và vai trò cũng ngày càng quan trọng hơn. Với chủ đề "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng" của nước chủ tịch Indonesia 2023, ASEAN không chỉ nỗ lực thúc đẩy đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực mà còn được kỳ vọng trở thành trung tâm của tăng trưởng, thu hút đầu tư và nguồn lực phục vụ cho lợi ích của cộng đồng các nước thành viên.

Thay đổi để thích ứng tốt hơn

ASEAN đang nổi lên là tổ chức trung tâm với sự tập hợp của các nước vừa và nhỏ, cũng có sự tham gia của các nước lớn, đối tác bên ngoài khu vực. Mỗi một thành viên, mỗi nước tham gia đều có những mối quan tâm riêng nhưng điều đầu tiên quan trọng nhất là tìm ra tiếng nói chung đối với các lợi ích này. Mục tiêu tiếp theo là điều chỉnh để làm sao hài hòa tất cả những lợi ích đó, hướng tới hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Trong bối cảnh đó văn hóa hợp tác và đối thoại của ASEAN lại được đề cao với khẳng định "ASEAN chỉ có thể mạnh hơn nếu đi cùng nhau".

Hiện cũng có những ý kiến cho rằng các quyết sách của ASEAN đưa ra khá chậm chạp, nhưng rõ ràng quyết định của ASEAN phải dựa trên đồng thuận và tham vấn - những nguyên tắc đã giúp ASEAN tồn tại và phát triển thành công 56 năm qua.

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhận định ASEAN có thể đổi mới các cơ chế giúp hoạt động hiệu quả và ứng phó tốt hơn với các thách thức, nhưng cần phải tôn trọng những quy tắc Hiến chương đã được nhất trí giữa 10 nước ASEAN: "Quan trọng hơn là làm thế nào chúng ta có thể giải quyết các thách thức trong và ngoài bằng việc tham vấn, thảo luận nhiều hơn. Tăng cường hội nhập ASEAN, kết nối ASEAN và đảm bảo lợi ích ASEAN sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Tôi có thể nói rằng ASEAN tự tin hướng về phía trước, đó là lý do tại sao ASEAN đang tiếp tục thúc đẩy Tầm nhìn dài hạn đến năm 2045."

Việt Nam và những dấu ấn mới

Việc Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của gia đình ASEAN vào ngày 28-7-1995 là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN, một mốc mới đánh dấu sự thay đổi cục diện ở Đông Nam Á, góp phần đẩy mạnh hợp tác ở khu vực, vì sự phồn vinh của mỗi nước và cả khu vực. Với phương châm từ đầu là chủ động và tích cực, có nhiều điểm mới trong những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong ASEAN.

Đại sứ Vũ Hồ - Quyền trưởng SOM ASEAN chia sẻ: "Việt Nam từ khi tham gia ASEAN đến nay luôn có tinh thần là chủ động và tích cực. Gần đây Việt Nam cũng có thêm một điểm nhấn mới nữa là có trách nhiệm. Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa qua có một điểm nhấn mới là sự tham gia của Việt Nam cho thấy rằng ASEAN là một bộ phận không tách rời trong chính sách đối ngoại của Việt Nam".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Indonesia tháng 5/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Indonesia tháng 5/2023.

28 năm đồng hành cùng ASEAN, với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam không chỉ nghiêm túc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của một nước thành viên, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN.

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam trong 28 năm qua: "Kể từ khi là thành viên chính thức của ASEAN, tôi nghĩ Việt Nam luôn một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN. Dù giữ vai trò nước chủ tịch ASEAN, thực hiện nhiệm vụ trong Ban Thư ký ASEAN hay là nước điều phối với các đối tác đối thoại, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng luôn thúc đẩy lợi ích của các quốc gia ASEAN. Có thể nói Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động, đóng góp lớn cho ASEAN."

Trong bối cảnh ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức lớn cả trong và ngoài khu vực, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được coi trọng và đánh giá cao. Nhiều nước kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong ASEAN, chia sẻ các kinh nghiệm hay trở thành cầu nối giữa ASEAN với các quốc gia đối tác đối thoại.

Đại sứ Igor Driesmans Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN nhận định: "Tôi nghĩ Việt Nam là một quốc gia mà Liên minh châu Âu có mối quan hệ chặt chẽ trong khu vực. Liên minh châu Âu đã có một thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam. Hai bên có các thỏa thuận hợp tác chính trị, quốc phòng.... Do đó đã có những nền tảng và thể chế rất vững chắc cho mối quan hệ song phương. Và rõ ràng đối với Liên minh châu Âu, Việt Nam không chỉ là một đối tác song phương quan trọng mà còn là một thành viên quan trọng trong ASEAN."

Có thể nói những đóng góp nổi bật của Việt Nam trong ASEAN cùng với các thành tựu của đất nước hiện nay là động lực giúp Việt Nam tự tin triển khai chính sách đối ngoại hướng tới vai trò ngày càng quan trọng đối với ASEAN trong giai đoạn tới.

Phạm Hà/VOV - Indonesia

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/asean-56-nam-tuoi-viet-nam-chu-dong-va-tich-cuc-post1037867.vov