ASEAN bàn giải pháp cắt giảm thủ tục thử nghiệm ô tô nhập khẩu nội khối
Ủy ban xe cơ giới ASEAN (ACC) và Nhóm công tác về các sản phẩm xe cơ giới ASEAN (APWG) tổ chức Hội nghị trong 3 ngày tại Đà Nẵng, bàn về hài hòa tiêu chuẩn, quy định, chứng nhận và thử nghiệm xe cơ giới.
Hôm nay (6/5), tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị lần thứ 11 Ủy ban Xe cơ giới ASEAN (AAC). Đơn vị đăng cai tổ chức là Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Hội nghị là diễn đàn để các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe cơ giới và phụ tùng xe cơ giới của các nước ASEAN cùng trao đổi, thảo luận về hài hòa tiêu chuẩn quy định kỹ thuật; hệ thống chứng nhận và thử nghiệm xe cơ giới; các văn bản kỹ thuật để triển khai thống nhất các hoạt động chung, giảm bớt các rào cản kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho thương mại trong lĩnh vực xe cơ giới.

Quang cảnh hội nghị ACC lần thứ 11 diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Tùng
Tại Hội nghị năm 2025, các vấn đề đã được trao đổi tại Hội nghị ACC lần thứ 10 năm 2024 tiếp tục được thảo luận. Đồng thời cập nhật về tình hình phê duyệt Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới (APMRA) của các nước ASEAN. Việt Nam cùng các nước như Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan đã hoàn thành thủ tục phê chuẩn nội bộ và gửi văn kiện phê chuẩn APMRA.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, đối với doanh nghiệp, việc thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới sẽ giúp các doanh nghiệp khi nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam không phải làm thêm các thủ tục đã có.

Ông Phạm Minh Thành, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (bên phải) cùng các cán bộ cục tham dự Hội nghị ACC lần thứ 11. Ảnh: Thanh Tùng
Một chuyên viên Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, khi tham gia vào thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN thì tất cả các báo cáo thử nghiệm của xe trong ASEAN sẽ được thừa nhận.
"Ví dụ xe đã thử nghiệm ở Thái Lan khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ không phải thử nghiệm nữa. Báo cáo thử nghiệm sẽ được dùng để làm các bước chứng nhận tiếp theo", chuyên viên nói thêm.
Đáng chú ý, Hội nghị năm nay tiếp tục bàn về việc đưa vấn đề áp dụng "Lựa chọn trường hợp xấu nhất" (Worst Case Selection - WCS) vào Dự thảo hướng dẫn Kỹ thuật APMRA.
Hiểu một cách đơn giản WCS là một sản phẩm có các kiểu loại khác nhau thì sẽ chọn ra kiểu loại thấp nhất để thử nghiệm. Nếu kiểu loại này đạt thì các kiểu loại còn lại cũng sẽ đạt.
Ở hội nghị trước, vấn đề này cũng đã được bàn và tiếp tục yêu cầu Ban Thư ký gửi thông báo kết quả tham vấn ý kiến của Ban pháp chế và thỏa thuận của ASEAN (Legal Services and Agreements Directorate) để rà soát tính pháp lý.
Tuy nhiên đến cuối hội nghị, các nước vẫn dừng lại ở việc tiếp tục thỏa thuận với nhau về tính pháp lý cho việc áp dụng WCS. Bởi để có thể áp dụng WCS thì cần các nước phải tham gia Hiệp định năm 1958 của UNECE. Nhưng đến nay theo thống kê, ASEAN mới chỉ có ba nước tham gia Hiệp định 1958, trong đó có Việt Nam.