ASEAN bế mạc hội nghị cấp cao và chuyển giao cương vị chủ tịch 2022

Chiều 28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN, tham dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan và Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022 cho Vương quốc Campuchia...

Campuchia giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022 - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Phát biểu tổng kết với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021, Quốc vương Brunei khẳng định, bất chấp những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh.

Phát huy nỗ lực chung của cả khối trên tinh thần “Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta phát triển thịnh vượng”, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng, ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện, nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, chăm lo phúc lợi và sức khỏe tinh thần cho người dân, thông qua chiến lược tổng thể tận dụng thành quả Cách mạng Công nghiệp 4.0…

Hướng tới tương lai, Quốc vương Brunei đề nghị cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cơ sở thúc đây chủ nghĩa đa phương và xây dựng một cấu trúc vững mạnh tại khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan và Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022 - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022, Thủ tướng Campuchia công bố chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2022 là “ASEAN Hành động cùng ứng phó các thách thức” vì hòa hợp, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực, đẩy mạnh xây dựng một cộng đồng đồng đều, vững mạnh và bao trùm, phù hợp với tinh thần cốt lõi của ASEAN cùng nhau thúc đẩy một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng.

Theo đó, Campuchia sẽ cùng các nước ASEAN triển khai các ưu tiên chính trong năm 2022 gồm bảo đảm đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, triển khai hiệu quả tất cả các sáng kiến và biện pháp về hợp tác kinh tế đã được nhất trí và các thỏa thuận tự do hóa thương mại, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Cùng với đó, thúc đẩy liên kết khu vực, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào kiến tạo và duy trì hòa bình và phát triển, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nâng cao tinh thần và bản sắc ASEAN, cũng như thúc đẩy các nỗ lực xây dựng một tầm nhìn ASEAN sau năm 2025.

Trước đó, từ ngày 26-28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự 14/17 Hội nghị trong chuỗi sự kiện ASEAN quan trọng này, gồm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, các hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nga), Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), một số hội nghị cấp cao của các nước tiểu vùng ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39, cùng Hội nghị Cấp cao với các đối tác lần này là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội XIII của Đảng.

Quang Thanh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/asean-be-mac-hoi-nghi-cap-cao-va-chuyen-giao-cuong-vi-chu-tich-2022.htm