'ASEAN cần là ốc đảo hòa bình trong thế giới đầy biến động'
Theo Ngoại trưởng Singapore, trong bối cảnh xung đột và cạnh tranh địa chính trị trên thế giới, thách thức chính của ASEAN là 'không được rơi vào những cái bẫy chiến lược đã xảy ra ở những nơi khác' và cần duy trì là 'một ốc đảo hòa bình'.
Tờ Straits Times dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan với các phóng viên tại Vientiane (Lào) sau khi bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) ngày 27/7: “Thách thức chiến lược quan trọng đối với ASEAN trong một thế giới bất ổn là phải duy trì sự đoàn kết, duy trì sự kết nối, tập trung vào kinh tế và không rơi vào các vấn đề vốn cơ bản nhưng rất nghiêm trọng đã bao vây châu Âu và Trung Đông hiện nay”.
Các cuộc thảo luận tại Lào có sự tham gia của các nhà ngoại giao ASEAN và các đối tác đối thoại của ASEAN, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU); đề cập về những cuộc xung đột trên thế giới và tình hình khu vực.
Trong thông cáo chung được công bố vào ngày 27/7, các bộ trưởng ngoại giao đã chia sẻ “mối quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo tồi tệ” ở Dải Gaza và “lên án mọi cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự”.
“Quan điểm của riêng tôi là tình hình ở Trung Đông vẫn tiếp tục có nguy cơ leo thang đáng kể. Và nếu chúng ta nêu thêm tình hình ở châu Âu và Trung Đông, thực tế là cùng một nhóm các quốc gia ở các phe đối lập trong cả hai đấu trường đó, thì đó là lý do đáng lo ngại,” Ngoại trưởng Balakrishnan bình luận.
Đề cập đến tình hình Đông Nam Á, nhà ngoại giao Singapore cho rằng khu vực này “có thể duy trì như một ốc đảo hòa bình, ổn định và an ninh”. “Thực tế cho thấy khu vực này có triển vọng tốt, triển vọng kinh tế tốt. Đó là điều chúng ta muốn tập trung vào,” ông nói.
Với tình hình Myanmar, Thông cáo chung tái khẳng định đồng thuận 5 điểm vẫn là định hướng của ASEAN trong giải quyết cuộc khủng hoảng này; kêu gọi các bên liên quan cần có hành động cụ thể để chấm dứt ngay lập tức bạo lực, thực hiện kiềm chế tối đa và đảm bảo an toàn cho mọi người dân, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động viện trợ nhân đạo và thúc đẩy đối thoại.
Nói với các phóng viên, Ngoại trưởng Balakrishnan cảnh báo rằng sự can thiệp từ bên ngoài vào Myanmar sẽ làm vấn đề trở nên phức tạp; nhấn mạnh sự cần thiết của "sự kiên nhẫn chiến lược" trước tình hình phức tạp hiện nay của quốc gia này. Ông cũng nói rằng Singapore đã giữ liên lạc cởi mở với tất cả các bên liên quan của Myanmar về việc giúp đỡ “vào đúng thời điểm, đúng địa điểm (và với) trình tự hành động phù hợp”.
Đối với tình hình trên Biển Đông, thông cáo chung kêu gọi các bên “kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”. Các bộ trưởng ngoại giao tái khẳng định sự cần thiết của việc theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp theo những nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông kể từ năm 2018. Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết các cuộc đàm phán không hề dễ dàng nhưng ASEAN không thể dừng lại vì lợi ích của mình trong việc duy trì hòa bình và ổn định.