ASEAN đặt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư nội khối cho đến năm 2025

Các Bộ trưởng Kinh tế các quốc gia ASEAN đã thống nhất đánh giá thương mại giữa các thành viên ASEAN với nhau vẫn còn nhiều hạn chế dù rất tiềm năng và cơ hội. Do đó, bên cạnh thách thức, Covid – 19 chính là cơ hội để các nước ASEAN phải có hành động trong tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng đủ sức chống chịu.

Đặt nền tảng vững chắc dù kết quả vẫn còn khiêm tốn

Quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước ASEAN cũng như quan hệ của các nước ASEAN với nhau được coi như là một thực thể kinh tế đã phát triển rất nhanh chóng. Quan hệ hợp tác giữa các nước AEAN không chỉ thể hiện rõ trong tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các nước, mà còn thể hiện trong việc các nước ASEAN đặt mục tiêu trở thành các đối tác quan trọng của nhau trong hàng loạt các lĩnh vực kể cả đầu tư, hợp tác về công nghệ, thị trường nóng, vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực.

Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN đã nỗ lực đặt nền tảng vững chắc cho trao đổi thương mại và đầu tư nội khối. Ảnh: Cấn Dũng

Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN đã nỗ lực đặt nền tảng vững chắc cho trao đổi thương mại và đầu tư nội khối. Ảnh: Cấn Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện rất nhiều nước trong ASEAN đã hoàn thiện khung khổ pháp lý, tiến tới ký kết các hiệp định công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn chung hay các hiệp định về bảo hộ đầu tư, cũng như về kiểm dịch thực vật… Những luân chuyển thương mại hàng hóa cũng như các hợp tác để xây dựng thị trường ASEAN thành 1 thị trường thống nhất ở các khía cạnh cả về thương mại, lao động, đầu tư, nguồn vốn…. đang được hoàn thiện. “Đó là những nền tảng của cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 năng động và nhiều cơ hội, chủ động thích ứng và có sức chống chịu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Riêng đối với Việt Nam, 24 năm gia nhập ASEAN, kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN đều tăng trưởng vượt trội. Điển hình như kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Thái Lan, Singapore tăng trưởng tới 5-10 lần, và vẫn luôn duy trì đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận dù đã đặt nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế nội khối ASEAN nhưng kết quả hợp tác nội khối ASEAN vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, nếu không nói là thấp và còn nhiều hạn chế trong hợp tác thương mại giữa các quốc gia ASEAN với nhau khi tổng mức thương mại nội khối giữa các quốc gia ASEAN còn rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 23% thương mại của khối ASEAN.

Thiếu nguyên liệu sản xuất, chuỗi cung ứng với sức chống chịu còn thấp đang là vấn đề tồn tại của kinh tế ASEAN

Thiếu nguyên liệu sản xuất, chuỗi cung ứng với sức chống chịu còn thấp đang là vấn đề tồn tại của kinh tế ASEAN

Covid – 19 là cơ hội để kinh tế ASEAN tái cấu trúc mạnh mẽ

Nhìn từ những ưu tiên, nỗ lực của Việt Nam trong các hoạt động nội khối ASEAN, nhất là vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020 thể hiện rõ việc thúc đẩy thương mại nội khối luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam với mục tiêu duy trì sự vững mạnh, gắn kết và hợp tác trong ASEAN.

Với nhiều tiềm năng còn rộng mở, và đứng trước các diễn biến phức tạp trong thời kỳ mới, Việt Nam với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã đưa ra hàng loạt sáng kiến ưu tiên phát triển kinh tế cho ASEAN trong năm 2020. Trong đó, quan trọng nhất là thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối và ứng phó với thách thức do Covid – 19 gây ra.

“Trong Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần này, chúng tôi đều thống nhất thảo luận, đánh giá tiềm năng, cơ hội rộng mở phía trước trong kinh tế nội khối ASEAN. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã thống nhất đưa ra tuyên bố của Bộ trưởng về Covid - 19. Đây chính là cơ hội để các nước ASEAN phải có một quan điểm lại trong tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, từ đó tạo ra một khung khổ hợp tác chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn giữa các nước ASEAN cũng như khai thác tốt các nguôn lực ở các nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và cho biết, chuỗi cung ứng này không chỉ có vai trò ở thương mại nội khối mà còn lan rộng và mở rộng ở phạm vi toàn cầu.

“Trong năm 2020 cũng như những năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư nội khối cho đến năm 2025. Đây là một điều rất cơ bản để tăng năng lực cạnh tranh trong quy mô thương mại nội khối ASEAN cũng như với các đối tác thương mại lớn trên thế giới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư nội khối cho đến năm 2025

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư nội khối cho đến năm 2025

Đầu tháng 1/2020, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo Cao cấp về "Thúc đẩy thương mại – đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Trong năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ban thư ký ASEAN, Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN để tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhà nước, doanh nghiệp giữa các quốc gia ASEAN với nhau để đẩy mạnh thương mại, đầu tư nội khối, cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN năng động, thích ứng.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/asean-dat-muc-tieu-tang-gap-doi-dau-tu-noi-khoi-cho-den-nam-2025-133806.html